(Intensive Journal Method) 12 bậc thềm của nhà tâm lý học Ira Progoff


Có thể nói, đây là một trong những khám phá góp phần thay đổi cuộc đời. Trong một cuốn sách tôi đọc giới thiệu rằng đây là phương pháp giúp khám phá lịch sử nhân vật. Kiểu như một dạng tiểu sử trong các sách sử hay hồi ký. 
Vì tò mò, tôi đã thử viết "tiểu sử" của chính mình dựa trên phương pháp này. Giống như một tảng băng chìm, tôi cảm thấy những băn khoăn, thắc mắc, những câu hỏi vô thức chìm sâu không lời giải bắt đầu ngoi lên mặt nước. Và nhờ đó tôi biết về sự tồn tại của tảng băng và bắt đầu đi tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi. Tôi có được: thứ nhất, phương pháp này giúp tôi đặt dấu chấm hết cho cuộc hành hương tám năm đằng đẵng; trả lời câu hỏi theo chân tôi suốt những ngày tháng đó. Thứ hai, nó cho tôi động lực thay đổi, thúc đẩy tôi hành động, và yêu mến bản thân bằng cách học-hiểu-biết về mình.
Với tinh thần sẻ chia, tôi đã dịch và biên tập 12 bước đệm này ra cho những ai đang cần nó. Nhất là với những ai đang hoang mang lần lữa trước những quyết định hoặc bước ngoặc quan trọng của đời mình. Hoặc những ai đang muốn học-hiểu-biết về chính mình. Với phương pháp này, bạn có thể thực hiện theo cá nhân. 
Hành trình tìm về chính mình bắt đầu từ đây!

***

Để xây dựng một "nhật ký chuyên sâu", dựa trên phương pháp của nhà tâm lý học Ira Progoff, hãy chia một cuốn sổ tay thành 12 phần. Theo hướng dẫn bên dưới, hãy bắt đầu bằng cách thực hiện các mục trong bốn phần đầu tiên tuần tự. Sau đó, thực hiện các mục trong các phần thích hợp khác khi nảy sinh những suy nghĩ và hiểu biết sâu sắc. Ghi ngày và giờ của mỗi mục.

1. Hiện Tại (Period Log). Mô tả các sự kiện bên trong và bên ngoài mà bạn nghĩ đến về giai đoạn gần đây nhất trong cuộc đời của bạn. Điều này giúp bạn bắt được "nhịp cuộc sống" của chính mình.

2. Hình ảnh xế chiều (Twilight Imaginary Log). Ngồi yên lặng, nhắm mắt và để bản thân cảm nhận nội dung về giai đoạn vừa được mô tả trong Period Log. Thư giãn và để những hình ảnh, dấu ấn, cảm xúc và hình tượng xuất hiện trong tâm trí bạn. Khi đã sẵn sàng, hãy ghi lại chúng. Mục này giúp bạn nhìn thấy quan điểm chủ quan của chính mình. 

3. Bậc thềm (Steppingstones). Liệt kê khoảng một chục những sự kiện chính đã xảy ra trong suốt cuộc đời bạn. Chọn các mốc có ý nghĩa về tình cảm, thể chất, nghề nghiệp và quan hệ cá nhân. Điều này mang lại cho bạn cảm giác về những gì đã và đang xảy ra xuyên suốt và bức tranh tổng thể về cuộc sống của bạn. 

4. Giao lộ (Intersections). Những Con Đường Được Lựa Chọn và Những Con Đường Không Lựa Chọn. Chọn một sự kiện trong mục steppingstones đánh dấu thời điểm bạn đưa ra lựa chọn. (Tránh gần đây nhất.)  Ghi lại những ấn tượng và hồi ức của bạn. Điều này có thể giúp bạn sắp xếp các vấn đề chưa được giải quyết, vì "những thứ hối tiếc không chết - chúng chỉ nằm đó."

5. Một chương cuộc đời (Life History Log). Đọc mục intersections và để nó khuấy động những ký ức cụ thể - chi tiết - về thời kỳ đó. Đây là nơi thu thập những kinh nghiệm trong quá khứ, không cần phán xét hay giải thích. (tôi viết phần này như là một chương sách)

6. Nhật ký hàng ngày (Daily Log). Nghĩ lại 24 giờ qua và theo dõi tâm trạng, mối quan tâm và suy nghĩ. Đây là một bản ghi liên tục về những gì đang xảy ra với bạn.

7. Nhật ký giấc mơ (Dream Log). Ghi lại những giấc mơ mà bạn nhớ - mà không cần phân tích hay giải thích. "Những giấc mơ," như Freud nói, "là con đường rộng mở dẫn đến vô thức."

8. Đối thoại với Một Người. Chọn một ai đó - còn sống hay đã chết - có tầm quan trọng đối với cuộc sống của bạn. Viết một câu mô tả  mối quan hệ, sau đó liệt kê các sự kiện chính trong cuộc sống của họ. Đọc lại và ghi bất cứ điều gì nó khuấy động trong bạn, bắt đầu bằng câu nói, "Khi tôi xem xét cuộc sống của bạn, tôi cảm thấy..." Viết câu trả lời của người đó và tiếp tục cuộc đối thoại. Điều này có thể giúp làm rõ các mối quan hệ.

9. Đối thoại với Công Việc. Chọn một hoạt động mà bạn quan tâm và viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bạn về mối quan hệ của bạn với nó. Liệt kê những sự kiện chính của công việc này như thể đó là một con người, nói chuyện với nó và để nó trả lời. Đọc qua đoạn hội thoại và ghi lại phản ứng của bạn. Điều này giúp làm rõ mối quan hệ của bạn với Công Việc. 

10. Đối thoại với Cơ thể. Liệt kê một số hồi tưởng về những trải nghiệm cơ thể trong suốt cuộc đời bạn - chẳng hạn như thời gian bị đau ốm, nhục dục cá nhân, hoạt động thể thao, thói quen ăn uống và sử dụng chất kích thích. Đọc qua danh sách và viết những gì ảnh hưởng trong đời sống bạn. Hãy để cơ thể phản hồi. Điều này giúp bạn kết nối với trải nghiệm thể chất của mình.

11. Đối thoại với Sự Khôn Ngoan. Chọn một người mà bạn cho là khôn ngoan - giáo viên, bộ trưởng, phụ huynh, tác giả sách... Hãy tưởng tượng sự hiện diện của người đó, nói chuyện với họ về mối quan tâm của bạn và ghi lại cuộc thảo luận. Điều này có thể giúp bạn xác minh nội tâm của mình.

12. KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI (NOW). Khoảnh Khắc Mở Lòng. Nêu ngắn gọn mong ước, lời cầu nguyện hoặc kế hoạch cho thời điểm tiếp theo trong cuộc đời bạn. Điều này giúp bạn tập trung vào nơi bạn sắp đến.

 ***

Gợi ý cá nhân: 

1. Có thể viết mỗi mục trong vòng 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Hoặc kết hợp những trang viết buổi sáng bằng cách dành mười hai ngày, mỗi ngày viết về một mục trong 3 trang (đây là cách tôi đã làm). Nếu cần gợi ý về những trang viết buổi sáng (Click vào đây). 

2. Viết tay sẽ tạo kết nối tốt hơn. Khuyến khích nên viết tay. 

3. Nếu không có sổ có thể dùng giấy A4 và lưu giữ lại thành tệp sau mỗi lần viết.

4. Không nên viết quá 3 mục liên tiếp trong một ngày. Theo tôi, lý tưởng nhất là viết mỗi mục một ngày. 

 ***

Ira Progoff (2 tháng 8 năm 1921 - 1 tháng 1 năm 1998) là một nhà trị liệu tâm lý người Mỹ , nổi tiếng với sự phát triển của Phương pháp Nhật ký Chuyên sâu (Intensive Journal).

Progoff bắt đầu khám phá các phương pháp tâm lý dành cho sự sáng tạo và trải nghiệm tinh thần trong các ứng dụng xã hội vào đầu những năm 1950. Năm 1966, Progoff giới thiệu phương pháp Intensive Journal về phát triển cá nhân, và là công trình giúp ông được ghi nhớ nhiều nhất. Đây là một hệ thống không phân tích, tích hợp, tạo liên kết các câu chuyện cuộc sống cá nhân. Progoff đã mô tả chi tiết phương pháp này trong hai cuốn sách: At a Journal Workshop và The Practice of Process Meditation.

 

Dịch và biên tập: Mèo Quin

Nguồn: https://www.washingtonpost.comhttps://claredetar.com

 


Comments

Popular Posts