Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami

Viết truyện không phải là một công việc đơn giản. Nếu ai đó đã từng có ý muốn viết truyện, đối diện với trang giấy trắng trước mặt cùng với dấu gạch thẳng đứng từ con trỏ máy tính nhấp nháy, sẽ khiến bạn hiểu, áp lực từ việc lấp đầy trang giấy với những con chữ có ý nghĩa là khó như thế nào. Với tư cách một độc giả trung thành của Haruki Murakami, người đã đọc hơn nửa số tác phẩm của ông, tôi đã gật gù khi gấp lại tập truyện ngắn Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà với sự cảm thán, “lại là một tác phẩm đậm chất Haruki Murakami”, ở đó những mối quan hệ xác thịt giữa người đàn ông và người đàn bà không thể tách rời khỏi câu chuyện tình yêu của họ. Đôi khi đó là sự day dứt không thôi, đôi khi lại là sự tiếc nuối hổ thẹn, và cả những cảm xúc tội lỗi tiến thoái lưỡng nan, ngang dọc trải dài trong bảy câu chuyện ngắn về những người đàn ông đã “lỡ” mất người phụ nữ mà anh ta yêu.

Hình ảnh: Trích từ MV When I fall in love - Primary (Feat. Meego, Suran)

Tác giả dùng ngôi thứ nhất “tôi” cho những người đàn ông – nhân vật tường thuật, trong mỗi câu chuyện, có lẽ bởi vì đứng dưới góc nhìn của một người đàn ông sẽ dễ hơn cho Haruki khi ông cố gắng miêu tả những cảm xúc của nhân vật nam; cách anh ta quan sát, suy nghĩ và cả thế giới quan của họ về người đàn bà mình yêu. Một điểm chung mà với bất kỳ độc giả trung thành nào của Haruki cũng sẽ nhận ra trong các tác phẩm của ông chứ không chỉ riêng gì tập truyện ngắn này, đó là ông luôn lồng ghép thứ âm nhạc riêng biệt gắn liền với từng câu chuyện, đó có thể là những bản nhạc bất hữu của the Beatles trong Rừng Nauy, hay những khúc nhạc piano của Shiro mà mỗi lần nghe đều khiến Tazaki Tsukuru không màu day dứt về quá khứ thời niên thiếu của mình, hay những bản nhạc jazz độc đáo phát ra từ quán bar của Hajime trong Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời. Nhiều lúc tôi tưởng tượng nếu mình bật thứ âm nhạc mà nhân vật yêu thích trong khi đọc câu chuyện của anh ta thì cảm giác sẽ như thế nào nhỉ? Đó chắc chắn sẽ tạo thành một thứ cảm xúc độc nhất vô nhị cho mỗi câu chuyện của ông, tôi chắc mẫm như vậy. Vì theo quan điểm của tôi, âm nhạc có tính liên kết với những ký ức riêng biệt của ta và mã hóa nó thành một dạng ký ức khác biệt không trùng lắp với những ký ức khác. Điển hình như trong câu chuyện cuối cùng Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà, nhân vật nam đã nghĩ rằng mỗi khi anh ta nghe khúc dạo đầu của bản Summer Place, anh ta sẽ bắt đầu cương cứng và tưởng tượng đến cảnh làm tình với người bạn gái cũ năm mười bốn tuổi của mình; và thứ âm nhạc thang máy gợi nhớ đến người bạn gái cũ cũng vang vọng đâu đó trong khắp câu chuyện. Tương tự, những bản nhạc hòa tấu sẽ đi cùng với những câu chuyện kể hư cấu của nhân vật Scheherazade; Yesterday sẽ là khúc nhạc êm đềm cho ký ức thanh xuân của đôi trẻ sinh viên, hay những bản nhạc Jazz cổ điển đậm chất thập niên 70s, 80s tràn ngập trong không gian quán bar Kino của người đàn đàn ông trung niên bị vợ cắm sừng. Tất cả những điều đó đều tạo ra một chất dày đặc quánh trong phong cách văn không thể lẫn vào đâu của Haruki.

Thêm một điểm ở Harukia đó là ông rất giỏi trong việc tạo ra khúc ngoặc bất ngờ trong các câu chuyện của mình, để khiến độc giả phải day dứt và nhớ đến nó mãi khi câu chuyện kết thúc. Ví dụ như trong Cơ Quan Độc Lâp, đó có lẽ là câu chuyện tạo dấu ấn mạnh mẽ nhất với tôi so với những cái khác, về một người đàn ông vô cùng ngăn nắp và khoa học khi tạo ra một hệ thống hẹn hò với những người phụ nữ đã có chồng hoặc ý chung nhân, hay nói cách khác là một người đàn ông sẵn sàng hoặc thậm chí là hạnh phúc khi làm “tuesday” cùng lúc với một hoặc bốn người đàn bà khác nhau; song số phận trớ trêu lại cho anh ta trở thành quân cờ lợi dụng của người phụ nữ mà anh ta lần đầu tiên yêu say đắm, đến nỗi sẵn sàng tự sát bằng cách tuyệt thực khi phát hiện bị cô ta phản bội. Đau đớn thay vào thời khắc anh ta sắp nhắm mắt xuôi tay, người phụ nữ đó cũng không thèm một lần đến nhìn mặt cho dù được van xin như thế nào. Đó là một cú twist hoàn toàn bất ngờ như thể bạn đang quẹo phải một khúc cua gắt trên đường đèo Bảo Lộc, hay hình ảnh trước sau cuộc đại trùm tu của một hoa hậu hoàn vũ nào đó. Cách dẫn truyện khéo léo, những đoạn hội thoại thú vị đến nỗi đôi lúc khiến bạn phải bất giác bật cười hoặc tò mò lật giở các trang sách đọc tiếp cùng với lối tiết chế, biết làm chủ mạch truyện của ông sẽ khiến bạn không thể rời khỏi các trang sách.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây “lại là một tác phẩm đậm chất Haruki Murakami”, nó không mang đến cho tôi những điều lý thú ngoài mong đợi khi đón đọc tác phẩm này. Với một độc giả trung thành của Haruki, tôi cảm thấy khá “nhàm” khi gấp lại tập truyện ngắn này, bởi vì ngoài cách khai thác đề tài tình yêu và tình dục, vốn dĩ là sở trưởng của ông thì tuýp nhân vật nam, mà với tôi dường như họ đều mắc hội chứng “rối loạn nhân cách khép kín”, đều trở nên rất điển hình trong các tác phẩm của ông. Họ luôn có một nền tảng tính cách rất giống nhau mà thứ lỗi, tôi vẫn chưa thể điểm mặt chỉ tên đó là gì, song nếu bạn đọc nhiều về Haruki bạn chắc chắn sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó. Theo sự lý giải của tôi thì có lẽ các nhân vật nam, ít hay nhiều đều phảng phất nét tính cách rất đặc trưng của chính Haruki, nếu không phải ám ảnh về một người con gái trong quá khứ thì cũng là ám ảnh về thời niên thiếu của anh ta (tôi đã từng tin rằng Haruki thật sự có nỗi day dứt khôn nguôi về hai vấn đề trên nếu không các nhân vật của ông cũng sẽ không quá ám ảnh về nó như vậy). 

Tóm lại, theo tôi đây không phải là tập truyện mà Haruki mong muốn thử thách bản thân với một điều gì đó mới mẻ hơn nhưng là đi trên lối mòn của chính mình. Và do đó, nó cũng khiến tôi khá thất vọng khi đọc tập truyện này. Dĩ nhiên, kỹ thuật viết truyện và cách hành văn điêu luyện của ông là điều khiến tôi ngưỡng mộ và muốn học hỏi, nhưng ngoài đó ra, tôi không thấy điều gì khiến tôi háo hức để đón đọc một tập truyện khác của Haruki Murakami nữa.

Mèo Quin. 

Comments

Popular Posts