Hiện sinh của chúng tôi

 TÔI 18 VÀ CHỊ 30. Ở cái tuổi ngây thơ trong sáng vô ngần, chị gái là thần tượng trong lòng tôi. Chị gái luôn biết mình muốn gì và đấu tranh giành lấy ước mơ. Đối với tôi, chị gái là người quyết liệt và luôn năng nổ. 

Hôm nay gia đình tôi đến xem buổi chiếu phim tốt nghiệp của chị ở trường Sân khấu Điện Ảnh. Thế là sau ba năm học diễn viên, hai năm đi diễn, và ba năm học đạo diễn, hôm nay chị tôi đã chính thức tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh, tốt nghiệp một cách vẻ vang. Phim tốt nghiệp này thậm chí còn được chiếu ở tận một liên hoan phim bên Pháp khi chị tôi còn là sinh viên trao đổi hồi năm ngoái. Tương lai sẽ rộng mở với chị. Cuối cùng chị ấy cũng chạm vào ước mơ sau mười năm đeo đuổi và ấp ủ từ hồi mới mười tám tuổi. Tôi và bố mẹ ngồi trong khán phòng có các thầy cô bên dưới, ghế ngồi xunh quanh chật kín sinh viên và bạn bè cùng khoa. Có vài người thường hay đến nhà tôi chơi. Giờ họ cũng sẽ là đạo diễn phim như chị tôi. Bộ phim bắt đầu được chiếu, màn hình sáng và đèn khán phòng tối dần. 

Tôi 30, đó là tựa phim. Một cô gái vật lộn với cuộc sống, cô ta có chồng sắp cưới nhưng không rõ có yêu hay không. Cô ta có công việc, nhưng lại muốn trốn chạy khỏi nó. Cô ta bị nhốt trong một cái kén, vùng vẫy cố thoát nhưng bất lực, cô ta tìm đến một người đàn ông khác. Là cứu cánh tình yêu? Nhưng lại không cưới. Cô ta có một ước mơ dang dở, muốn làm nghệ thuật nhưng lại bị nhốt trong một văn phòng, ngày qua ngày tẻ nhạt. Cô ta chạy trên đường phố. Chạy mãi chạy mãi. Kết phim người con gái cạo trọc đầu đứng trên sân thượng một tòa nhà cao tầng tìm tự do. 

Trời ơi trời! Cái gì vậy nè? Đối với tôi, một con bé mười tám tuổi, tôi không hiểu chị tôi đang làm cái gì. Ông thầy nói chủ đề phim là vấn đề hiện sinh. Đó là cái gì? Mọi người vỗ tay rần rần. Chị tôi khép lại buổi chiếu bằng lời cảm ơn và hoa. Còn bố mẹ thì hỏi tôi có hiểu gì không vì họ cũng chẳng hiểu gì như tôi. 

Chị có lẽ là kẻ chuyên làm những bộ phim chán đời, bi đát, chết chóc, và cực đoan mà một con bé mười tám tuổi không hề thích. Đối với tôi những năm đó, dù biết cuộc đời chẳng phải luôn hạnh phúc và rồi sẽ gặp nhiều thử thách. Nhưng tôi luôn tin vào một ngày mai tươi sáng. Chẳng phải tôi là loại tích cực gì. Nhưng đó là cách tôi chiến đấu chống lại cái hố đen vũ trụ xoay vần bên trong con người mình. Một cái lốc xoáy hút cạn mọi thứ, chỉ chừa lại sự trống rỗng và hoang vắng tột cùng. Từ nhỏ, vì không hiểu về nó, do đó mà tôi luôn mang một nỗi buồn bã bên mình. Cứ nhứ thế, nỗi buồn ngày một thấm sâu vào máu tủy trở thành lớp màng thứ hai ngoài da. Thi thoảng tôi thấy bất lực, khó hiểu vì cái chứng bệnh kỳ quặc này. Nhưng rồi tôi chẳng làm được gì, cứ vậy mà sống. 

Khác với chị gái, tôi chẳng biết mình muốn gì. Tôi chỉ thấy sống qua mỗi ngày là hay rồi. Thế nên tôi mới ngưỡng mộ chị. Người có ước mơ và vạch ra con đường để tiến tới cái ước mơ đó. Chị ấy làm người mẫu, học MC, tham gia vào showbiz. Chị ấy luôn bận rộn với các kế hoạch, luôn năng nổ bước tiếp bước tiếp, chẳng bao giờ dừng chân tại chỗ. Chị ấy là thần tượng của tôi. Nhưng quái lạ thay, tôi chưa bao giờ ganh tị với hào quang của chị. Chị ấy là kiểu người hễ muốn làm gì là phải làm cho bằng được, mà còn phải làm tốt nhất, đạt giải cao nhất, được nhiều người biết đến nhất. Chị ấy làm gì cũng giỏi. Năm chín tuổi, chị tôi thi một lần là đậu vào nhạc viện, hoàn thành mong ước có con gái học đàn piano của mẹ. Năm mười tám tuổi, chị tôi thì một lần là đậu vào đại học Bách Khoa. Năm hai mươi hai tuổi, chị tôi thi một lần là đậu thủ khoa khóa diễn viên. Năm hai mươi chín tuổi, chị tôi thi một lần là đậu thủ khoa đạo diễn phim. 

Còn tôi, thi ba lần vào nhạc viện vẫn rớt dù mẹ đã cố công cho tôi học thầy học cô. Thi đại học cũng trượt mất. Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ là đứa mờ nhạt, không học giỏi cũng chẳng có thành tích gì nổi bật. Hồi năm mười tám tuổi, đối diện khủng hoảng lớn nhất cuộc đời chính là chọn ngành chọn trường thi đại học. Áp lực đó khiến tôi đã từng ôm mớ thuốc ngủ mà nhét vào họng, nhưng rồi cuối cùng lại nhả ra vì sợ chết. Tôi đã muốn trốn tránh nhưng ông trời cứ bắt tôi phải đối mặt. Tôi mặc kệ, tôi để bố chọn ngành. Bố nói thôi thì học Anh Văn, nó cứ như thuốc bổ ấy, không bổ dọc thì cũng bổ ngang. Ngành nào bây giờ chẳng cần Anh Văn, tốt nghiệp không sợ thất nghiệp. Tôi nghe lời bố. Cứ học rồi tính tiếp. Sống ngày nào qua ngày đó trước đã. 

***

TÔI 27 VÀ CHỊ 38. Tôi bây giờ vẫn cứ đếm ngày mà sống. Sống ngày nào qua ngày đó trước đã. Bây giờ thì đến lượt tôi "hiện sinh". Chín năm trời sau khi tốt nghiệp cấp III tôi học ba cái đại học, nhưng học đến năm hai là lại bỏ dở. Dù cố gắng cũng không thể lết tới năm ba. Tính ra tôi học sáu năm đại học, hơn hẳn người bình thường những hai năm đó chứ. Vậy mà đến giờ vẫn chẳng biết mình muốn gì. 

Chị tôi còn khủng hoảng hơn. Tám năm trời, sau cái phim ngắn đầu tay, chị chẳng làm đạo diễn được thêm phim nào. Chị miệt mài sản xuất rồi phó đạo diễn cho đủ loại phim, mà toàn là phim lớn, phim có "số má" nhưng cứ cố mà không làm được đạo diễn. Loay hoay mãi chị đi học sân khấu. Chuyển hướng một trăm tám chục độ. Học hai năm, chị dựng vở tốt nghiệp "hoàng tráng lệ" có một không hai. Nào là vở kịch kinh điển Henrik Ibsen lần đầu được dàn dựng ở Việt Nam, nào là tổ chức biểu diễn ở "thánh đường nghệ thuật" nhà hát lớn, nào là dàn diễn viên khủng trong làng sân khấu. Ôi thôi! Các bài báo ca ngợi chị tôi đủ điều. Nhưng có một cái tít khiến chị mất ăn mất ngủ mấy ngày, người ta gọi chị là "đạo diễn phim lấn sân sang sân khấu", tạo ra một cú nổ địa chấn. Cái từ "đạo diễn phim" khiến chị ấy khổ não. 

"Trời ơi, tui đang làm cái gì vậy trời. Tui muốn được làm phim, tui đau đầu vắt óc, buồn bã hết tâm can. Tui làm việc, tìm kiếm cơ hội vậy mà giờ được gọi là "đạo diễn sân khấu. Là tui nên vui hay nên buồn?" - chị tôi thao thao bất tuyệt nhai đi nhai lại mấy câu đó với tôi và anh bạn thân của chị cũng có chung số kiếp lênh đênh. "Cái khủng hoảng này tui cũng không biết gọi tên nó là gì? Khủng hoảng tuổi trung niên? Hay khủng hoảng hiện sinh lần hai?" 

Rồi cơ hội trên trời rơi xuống, đập vào đầu chị tôi cái oạch. Chị được mời làm giảng viên khoa đạo diễn sân khấu. Là nên vui hay nên buồn? Là nên chấp nhận hay nên từ chối? Suốt một tháng trời chị ấy cứ thừ người ra, lâu lâu lại đi qua đi lại suốt mấy tiếng đồng hồ như người mất trí. Rồi quay ra hỏi tôi, "chị nên làm gì đây? Có nên nhận không?" Tôi cứng họng, đờ mặt không biết trả lời. Chị hỏi ngay một đứa dở hơi không biết mình muốn làm cái gì ở đời như tôi. Rồi chị quay sang hỏi anh bạn thân. "Đến gần 40 tuổi như tôi mà không biết phải làm gì có chết cha không cơ chứ. Ông nói cái này là cái gì đây?" 

Một ngày đẹp trời, tôi quyết định mình sẽ làm nhà văn. Cái ngày đẹp trời này xảy ra sau nửa năm thất nghiệp loay hoay tìm việc rồi lại thất bại, cứ như vậy hơn 20 cái công ty với đủ thể loại công việc. Cái vòng luẩn quẩn này khiến tôi gần như phát điên cho đến khi tôi quyết định chẳng còn gì để mất và ngồi vào bàn viết. Tôi nhốt mình trong phòng cả ngày lẫn đêm miệt mài viết. Bố mẹ tôi hay thầm thì dưới nhà, "chẳng biết nó viết cái gì. Cứ thấy nó ngồi lỳ trong phòng", đâu có ngờ tôi ở trên lầu nghe thấu. Nhưng họ chẳng lạ gì khi tôi ở lỳ trong phòng, khác với chị tôi, người chẳng bao giờ ở nhà nỗi một ngày trọn vẹn khi bằng tuổi tôi, tôi thì có thể ở nhà ngày này qua tháng nọ. Có những tuần tôi không bước chân ra khỏi nhà nhiều ngày. Thế nên, nhân cơ hội này tôi quyết tâm ngồi lỳ trong phòng viết miệt mài. Có một hôm, cũng vào cái ngày đẹp trời, tôi xuất thần thấy thiên thần trong hình dạng ông lão râu tóc bạc phơ đến nói với với tôi, "Này, Chúa sai ta tới nói với ngươi, hãy cứ viết đi." Tôi bỗng nhiên như ông thánh Mát-thêu hai ngàn năm trước, lật giở sách ra và viết dù trong đầu chẳng biết mình viết gì. Tôi nhận ra đó là sứ mệnh của mình trong cái cuộc đời xô bồ ồn ã này, như câu nói của Blaise Pascal “Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi im một mình trong phòng.” Thế nên tôi sẽ thay mặt con người, làm sứ vụ cao cả đó là ngồi im mà viết. Nghĩ đến đó mà tôi khoái chí, háo hức cả người. Còn gì hạnh phúc cho bằng sau gần mười năm làm kẻ hành hương, để cuộc đời đưa đẩy và lềnh bềnh trôi. Giờ đây, lần đầu tiên, tôi đứng thẳng dậy, chỉ vào mặt tên Cuộc Đời kia rồi nói, "này kể từ nay về sau ta sẽ điều khiển ngươi, ta sẽ giật dây ngươi như người ngồi trên lưng ngựa mà giật dây cương. Đừng hòng mà qua mặt ta nữa. Ha ha ha." 

Thế là tôi thắng. Tôi làm chủ cuộc đời mình. Rồi một năm sau, cuốn tiểu thuyết đầu tay với cái tên rất kiêu Cuộc Đời, hãy trả ta lại cho ta được xuất bản. Tôi sung sướng hạnh phúc chẳng được lâu. Cuộc Đời vốn là kẻ khó ăn khó ở. Tối đứng giữa quầy hàng trưng bày ngổn ngang các loại sách truyện trong nhà sách. Những cuốn truyện của tôi nằm dài chất đống trên kệ sách chờ đợi. 

Chuyện là hồi tuần trước, tôi gọi đến nhà xuất bản hỏi tình hình tiêu thụ sách để tôi còn nhận phần thù lao của mình. Họ nói rằng truyện của tôi có số lượng tiêu thụ thấp nhất trong lịch sử tiểu thuyết họ từng xuất bản. Tôi nghe như tiếng sấm bên tai, ù ù cạc cạc không còn nghe được gì sau đó nữa. Tôi không tin được, truyện của tôi viết hay nhứ thế. Chẳng lẽ không ai nhận ra điểm độc đáo, khác biệt của nó hay sao. Thế là hai ngày nay tôi đến trước quầy trưng bày tiểu thuyết của mình từ lúc tờ mờ sáng cho đến khi tối mịt. Tôi sẽ chứng minh cho họ thấy sách của tôi vẫn có người mua. Tôi đứng đó, nhìn chằm chằm vào những cuốn sách trên giá như thôi miên. Vài tiếng như thế, chán nản, tôi ngồi bệch xuống sàn, lấy một cuốn ngồi đọc lại. Càng đọc tôi càng thấy nó thú vị đấy chứ! Cứ như khi tôi đọc lại câu chuyện mình đang viết ở đây. Vậy mà chẳng ai thèm đoái hoài đến chúng. Chúng cứ nằm trên giá sách như mấy con cá ương bày trên mâm thúng chờ mục rữa. Thế là tôi lân la đến gần những người đang đọc sách gần đó, giả vờ đọc sách của mình rồi giả vờ tấm tắc khen. Có một cô bé tầm đầu hai mươi đến gần hỏi sách có hay thật không. Tôi kể tóm tắt câu chuyện cho cô bé. Cô bé chăm chú nghe một hồi, hai đôi mày chau lại. "Lại là một kẻ vớ vẩn viết về những thứ chán đời, tự tử rồi ám ảnh cái chết. Bộ không thấy mệt sao. Câu chuyện tôi đi tìm tôi đã cũ xì rồi. Ít nhất cũng cho nó cái vỏ mới để người ta còn hứng thú. Đấy, vì những cái thể loại truyện thế này mà văn học trẻ Việt Nam chẳng đi tới đâu. Em nói thật với chị nhé, em thà lấy tiền đi uống trà sữa còn hơn mua cuốn sách này đọc phí thời gian." 

Có vẻ như con bé đó vừa mới lấy cây kiếm đâm thủng trái tim tôi, không nói không rằng bỏ lại tôi đứng chết trân giữa trời. Nước mắt tôi ứa ra như cái vòi rô-bin-nê hỏng. Tôi cũng không rõ là mình buồn hay uất ức. Mọi cảnh vật cứ như một màn đen thui. Tôi câm lặng, trống rỗng, đau đớn. Và dường như trái tim tôi mới vừa chết mà tôi không hay biết. Một cái gì đó vừa gục ngã xuống vực sâu hun hút vô tận và biến mất tăm. 

Tôi không còn biết chuyện gì tiếp theo. Lúc ý thức được thì đã đứng trước cửa nhà chị gái. Bằng một cách kỳ diệu nào đó tôi đã chạy sang đây, khóc như mê sảng, như chết cha chết mẹ. Nếu ở đó có cái giếng chắc tôi đã nhảy xuống đó mà không bao giờ trở lên. Tôi tự hỏi làm sao các nhà văn có thể chịu đựng những điều khắc nghiệt như vậy với tâm hồn mỏng tênh đó. 

Chị tôi để tôi khóc đã đầy rồi quàng tay sang vai dỗ dành, "Thôi nghỉ viết phụ chị làm kịch." 

Chị ấy đã quyết định sẽ nắm lấy cơ hội có ngay trước mắt. Chị ấy quyết định sẽ dựng kịch, mà phải một loạt ba vở kinh điển mới chịu. 

"Em không thấy thống kê người Việt Nam chỉ đọc 0.8 cuốn sách một năm sao? Mà phần lớn trong số đó là sách giáo khoa. Thời đại này ngành xuất bản cũng sắp chết như ngành sân khấu kịch nói nước nhà rồi. Theo chị, hai chị em ta sẽ vực dậy từng thứ một." 

Chị tôi luôn có tài biến mọi vấn đề trở nên vĩ mô và tràn đầy ý nghĩa. Nhưng còn sứ mệnh của tôi thì sao? Còn thị kiến mà tôi đã được truyền ban cho thì sao? Rồi tôi sẽ làm cái quái gì trong cuộc đời này? Trôi nổi, lềnh bềnh như tám năm qua. Không, tôi thà chết cũng không quay lại con đường đó. Tôi lấy tay quệt đi những giọt nước mắt, nước mũi lòng thòng trên mặt, đứng bật dậy, dõng dạc. 

"Không. Chị cứ cứu lấy nền kịch nghệ nước nhà. Còn em, em sẽ cứu lấy chính mình. Em sẽ  viết. Em sẽ không dừng lại cho dù người ta có đem truyện của em vứt vào lỗ chó em cũng viết. Em viết vì chính em. Không vì cái gì cả. Em sẽ tiếp tục viết. Em sẽ tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng." 

Tôi cứ nghĩ mình vừa phát biểu một tuyên ngôn độc lập cho chính mình. Tôi thấy chị tôi ngồi dưới, nước mắt lưng tròng xúc động. Tôi ngượng ngùng ngồi xuống nắm lấy tay chị tôi an ủi. 

"Nhưng em sẽ vẫn giúp chị làm kịch. Em nghĩ có lẽ em cần chút thời gian. Bây giờ em không còn động lực để cầm bút. Em nghĩ em sẽ xa lánh nó một thời gian. Đúng vậy. Đó là cách tốt nhất. Em sẽ ngừng viết. Em sẽ ngừng hít thở và hy vọng. Em sẽ ngừng sống. Rồi em sẽ trở lại. Chắc chắn là như thế." 

Nói xong nước mắt tôi lại bắt đầu rơi. Tuy vậy đó không phải là những giọt nước mắt đau khổ, mà là những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị tôi cũng khóc. Hai chị em tôi ngồi ôm nhau khóc tu tu. 

Rồi đột nhiên chị nói, "Cả chị nữa, chị cũng sẽ làm phim. Chắc chắn là như thế." 

Rồi lại tiếp tục khóc. Bầu trời hôm đó trong xanh lạ thường. Dưới đường dòng người hối hả, xe cộ tấp nập như bao buổi chiều tan tầm khác. 

***

CHỊ VÀ EM GÁI, VÀ VẤN ĐỀ VĂN CHƯƠNG

"Em muốn trở thành một nhà thơ."

"Một nhà thơ? Em biết gì về thơ ca mà muốn trở thành một nhà thơ?" 

"Em chẳng biết gì cả. Hơn nữa, em còn muốn trở thành một nhà văn." 

"Vậy em muốn viết gì?" 

"Em vẫn chưa nghĩ ra. Nhưng chắc là sẽ viết truyện ngắn. Em nghĩ nó nằm trong khả năng của mình." 

"Em biết gì về truyện ngắn." 

"Em cũng không chắc là mình biết gì về nó. Nhưng cứ viết thôi. Ít nhất em tìm thấy tự do khi viết." 

"Đọc cho chị nghe một bài thơ của em." 

"Có đây. Bài thơ em vừa mới sáng tác." 

TÂM HỒN NGƯỜI NGHỆ SĨ 

Những người nghệ sĩ có cái nhìn thật đẹp

Trong đôi mắt họ, 

Cuộc sống trong veo, giản đơn và sáng tỏ. 

Họ là những em bé với gương mặt già sụ. 

Là những tâm hồn mỏng manh và thuần khiết. 

Như tấm lụa thêu hoa cầu kì, 

Như những bông cotton trắng phau trên bãi đất. 


Tiếng nói người nghệ sĩ thật đáng trân quý. 

Nó cho thấy con người xinh đẹp, 

Và cuộc sống không bao giờ chết. 

Dù cho thực tế xấu xí đen tối, 

Dù cho trái tim gai góc chai lỳ, 

Họ cũng biết cách làm cho nó mềm mại,

Và lau đi những bụi bẩn còn vương. 

Mỗi chúng ta đều là nghệ sĩ.

Đứa trẻ nhỏ tám tuổi bên trong,

Mãi mãi hồn nhiên và trong sáng

Với đôi mắt to tròn không vướng đục. 

Nhưng ta sợ, giấu nó vào bên trong

Đôi khi ta hét lớn hăm dọa: 

Có mày thì được ích gì? 

Rồi ta bỏ nó vào quên lãng, 

Không cho ăn, cho uống, và cho mặc. 

Nó trở nên rách rưới tồi tàn. 

Ôi, đứa bé tám tuổi tội nghiệp! 

Ước gì con ở một nơi tốt hơn,

Nơi người ta biết trân quý con. 

Nhưng dẫu muộn màng con hơn không. 

Hãy để đứa trẻ được hò reo!

Hãy giải phóng nó khỏi mọi xiềng xích, lệ thuộc

Hãy mang nó đến thế giới mà ta mong ước

Nơi có hoa lá và cỏ cây, 

Nơi tràn ngập ánh sáng và nắng gió, 

Và không khí trong xanh, 

Và dòng nước mát lành. 

Hãy reo hò mừng chiến thắng tự do

Vì ở đó ta được làm chính mình. 

"Chị thấy thế nào?"

"Ừm. Nó không đọng lại nhiều. Nó trôi tuột ra khỏi não. Một bài thơ cần phải có những con chữ đắt giá. Cần phải làm cho người ta nghĩ ngợi. 

(Tôi suy nghĩ một chốc)

"Nhưng thơ cũng chỉ là một cách biểu đạt. Em tìm thấy tự do tuyệt đối khi làm thơ. Nó không giống với viết văn xuôi hay những kiểu em đã từng viết. Nó là cái gì đó vượt lên trên những quy luật. Vượt lên trên những khuôn khổ. Ở đó em được trở về với chính mình, ban sơ nhất. Vì vậy em muốn làm thơ." 

"Vậy em cứ thử đi. Cứ tìm đường rồi tìm cách." 

"Mà tại sao em lại muốn trở thành một thi nhân và văn nhân?" 

"Để thoát ra khỏi sự chật chội tù túng của cái tôi cũ kỳ và tồi tàn. Em muốn thoát ly khỏi chính mình, nhưng không biết làm cách nào. Sáng tác cho em đôi cánh để bay, bay tới bất kỳ nơi nào em muốn. Em không đòi hỏi gì cả. Ở trên mảnh đất của sáng tạo, em là một chú chim. Đôi khi là một cành hoa, đôi khi là cái cây tĩnh mịch rì rào xanh mướt. Em thích trở thành một cái cây. Thế là em trở thành một cái cây, không ai ngăn cấm em. Ở đó em được tự do là chính mình. Em thích em, như cái cách mà em muốn. Rồi em trò chuyện với chim. Đôi khi chú chim đó cũng là em." 

(Cả hai chúng tôi im lặng...)

"Tốt thôi. Nếu đó là những gì giải phóng em. Hãy cứ làm đi. Làm thi nhân hay văn nhân gì cũng được. Hãy cứ là em. Nhưng em phải đọc, phải học từ những thi nhân và văn nhân khác. Học từ trong cuộc sống. Cái của em, nó thiếu cái mà người ta gọi là chất liệu cuộc sống. Nó thiếu cái hơi thở cuộc sống. Em phải quan sát. Phải đi ra ngoài nhiều..."

"Thật ra em biết đó là vấn đề của mình. Em biết chứ. Em cũng muốn đi ra ngoài, và em nghĩ thế. Em nghĩ là nên thế." 

(Có cái gì đó trong tôi như đang nói) 

"Thật ra chị biết gì không...Em nghĩ nếu văn của em thiếu hơi thở cuộc sông thì có lẽ đó là cách của nó phải như vậy. Đó là cái gì đó bất cân xứng trong sự cân xứng. Em tôn trọng sự tưởng tượng của mình dù cho nó thiếu hoàn hảo, và thiếu cuộc sống, thiếu hợp lý. Ai bảo viết văn là sao chép cuộc sống và tâm lý con người? Có thể nó khác biệt với suy nghĩ hợp lẽ của số đông. Nhưng em nghĩ đó là cái gì đó thể hiện em, là cách em biểu đạt chính mình, một người viết."

(Rồi tôi nói bằng lời và miệng mình)

"Thật ra chị biết không...Mỗi khi em đặt bút viết, em nghĩ về nhân vật của mình. Em nghĩ mình có yêu họ hay không? Mình có yêu họ đủ nhiều để viết về họ hay không? Mình có đồng cảm với họ chăng? Mình thấy gì ở họ? Và tại sao họ muốn mình viết về họ, dưới ngòi bút của mình? Họ là ai với em? Họ là những người xa lạ, kể cho em nghe những câu chuyện. Một mảnh đời, một lát cắt, một khoảnh khắc. Rồi họ sẽ ra đi. Nhưng họ ở lại trên trang giấy của em. Như cái cách người ta chụp hình, lưu giữ, làm kỷ niệm, họ ở lại trang giấy của em y hệt vậy. Và để em có thể lưu trữ họ. Đôi khi họ không hoàn toàn kể ra sự thật. Họ kể câu chuyện theo cái cách mà họ muốn, theo cái cách mà họ nhìn nhận sự việc, những sự việc đã đi qua trong đời họ, hoặc vẫn đang tiếp diễn. Công việc của em là lắng nghe và ghi chép. Đôi khi em có thêm mắm thêm muối, đôi khi em viết theo sự tưởng tượng của riêng mình, đôi khi em thể hiện nó theo hình thái của riêng em. Nhưng em cảm nhận họ, cũng y hệt như cái cách họ cảm nhận về em. Em chồng lên nó một lớp kính khác. Lớp kính chủ quan và khách quan cùng lúc, không thể tách rời. Em không tiếp xúc và chơi với cùng một loại người. Nhưng cách em viết, cách dùng từ, có những hạn chế của riêng mình. Em không bao biện cho hạn chế của mình."

"Đó có lẽ là cách một nhà văn làm việc chăng? Chị không biết nhiều về họ. Chị chỉ nói trên quan điểm của mình. Có lẽ em đúng. Có lẽ nó là như vậy." 

"Nhưng rồi em cũng phải chấp nhận những thiếu sót của mình. Em cần phải để cho nó 'thở'". 

"Thở?" 

"Ý là để cho nó có thời gian. Giống như lúc chị làm bánh mì, chị để cho nó "thở" trước khi đem ra nhào lại rồi bỏ vô lò nướng. Lúc nó thở là nó phát triển hoàn thiện nhất. Có lẽ em cũng cần phải 'thở' nhỉ?" 

"Ừ, có lẽ vậy. Có lẽ chị cũng...cần phải thở."

Comments

Popular Posts