TRƯA NAY ĂN GÌ?

     Cô gái bước ra khỏi văn phòng, hít một hơi đầy những khói bụi và cái nóng hầm hập giữa trưa Sài Gòn. Chẳng hiểu sao cô lại thích cái không khí ô nhiễm này hơn là ngồi trong văn phòng cả ngày, hít hà mùi máy lạnh và lớp kính dày đặc đến nỗi một hạt bụi cũng khó lọt qua.

    Dòng người công sở túa ra từ các tòa nhà bên cạnh, đông vui, ồn ã, họ bàn nhau xem trưa nay ăn gì, hoặc có khi thẳng tiến tới quán quen ngay bên cạnh công ty. Cô nhìn qua nhìn lại, lưỡng lự xem nên ăn gì. Mặc dù không đói, nhưng nếu bây giờ nhịn thì lát nữa đói cũng không phải thời gian để ăn.

    “Bánh mì chăng?” – Cô nhìn bên phải, hai anh chàng đồng nghiệp đang ngồi trên mấy cái ghế nhựa thấp, gặm bánh mì với hai ly cà phê trước mặt.

    “Nhưng bánh mì vừa khô lại gần ngang giá với bún bò." Cô nhìn sang trái. "hay là ăn bún bò. Tuy hơi mắc nhưng thay vì ăn bánh mì thì ăn bún bò ngon hơn.” – Cô nghiêm túc so sánh giá trị dinh dưỡng, với giá cả chênh lệch giữa tô bún bò và ổ bánh mì như đang phân tích sự biến động của thị trường chứng khoán.

    Nghĩ ngợi xong cô quyết định rẽ trái, thẳng tiến đến tiệm bún bò.

    “Thật may quá, vẫn còn hai bàn trống.” – cô nhìn một lượt tiệm bún vào giờ cao điểm.

    “Mấy người?” – ông chủ tiệm hỏi.
    Cô giơ ngón trỏ, ý nói một người, rồi ngồi vào bàn ngay tắp lự. “Bún bò tái chả.”
    “Một bún bò tái chả.” – ông chủ la lớn.

    Lúc nào cũng là bún bò tái chả. Thịt bò nạm hay gân là thứ chưa từng ăn, nếu hết tái cô sẽ ăn bún với chả thôi. Nhưng việc đó chẳng hề gì, đối với cô vị nước lèo mới là linh hồn tô bún. Nếu vị nước lèo lạc quẻ thì tô bún đã giảm đi hơn bảy mươi phần trăm giá trị. Việc ăn bún và thịt chỉ như là ăn xác. Do đó mà cái tài của người nấu bún thể hiện ở cái vị tinh túy, tế nhị của phần nước lèo.

    Người phụ nữ nhỏ con bưng tô bún, chuẩn bị lướt qua bàn cô gái: “Bún tái chả ở đâu ri?”

    “Ở đây, ở đây." - Cô gái vội vàng.

    Người phụ nữ đặt tô bún lên bàn. Cô liếc mắt nhìn tô bún le que vài miếng thịt bò, một cây chả và một miếng chả cua. Cho rau muống và giá vào tô, ngắt vài lá rau thơm, vắt miếng chanh, ớt sa tế. Cô nhanh nhảu gắp miếng chả cua cho vào miệng cắn phân nửa, cô đặc biệt thích ăn chả cua nên chỉ dám cắn nửa miếng. Một hồi sẽ ăn nửa miếng còn lại.

    “Một tô sáu chục ngàn mà cho có một miếng chả cua, đúng là keo kiệt.” – lúc nào cô cũng nghĩ vậy khi cắn miếng chả cua.

    Vì đây là tiệm bún hiếm hoi trong thành phố, nấu đúng kiểu Huế như mẹ cô thường nấu. Vì nước lèo ở đây có vị thanh nhẹ, chứ không gắt cổ bởi quá nhiều bột ngọt như những tiệm khác. Vì vậy cô mới quay lại đây lần thứ hai. Nhưng cô đoán chắc họ biết giá trị của mình, mới dám đặt ra cái giá cho một tô bún bò như vậy. Bằng chứng là lúc nào tiệm cũng kín người. Ngoài khách địa phương, còn có dân du lịch năm châu hay lui tới. Những khung ảnh lồng các bài báo treo hàng ngang trên tường, và một bảng mica in chữ thật to về lịch sử ra đời của quán.

    Cô nhai nửa miếng chả cua còn lại trong tiếc nuối, nghĩ ngợi: “Kỳ lạ! Mỗi lần ăn bún bò mình đều thấy vui vẻ mà ta? Từ lúc nào mà vị của nó lại lạt thết như vậy?”

    Người phụ nữ bàn trên cứ chốc chốc lại nhìn cô. Có vẻ tầm hơn ba mươi, cô ta ngồi đối diện. Điện thoại reo, người phụ nữ bắt máy, “Tới Highlands, giờ tao đi nè, tới đó uống cà phê, chỗ ngay gần công viên. Ừ ừ, mày dẫn nó theo, để nó chạy qua chạy lại ở đó.”

    Nói xong người phụ nữ xách túi đứng dậy bỏ đi. Tiền bún cô ta để lại trên bàn.

    “Chắc là hẹn bạn.” Bao lâu rồi cô chưa hẹn hò cà phê bạn bè. Thật ra cũng chỉ có vài người bạn. Một người vừa kết hôn, đang tận hưởng trăng mật hạnh phúc. Một người chuyển ra Hà Nội. Còn người kia thì lâu rồi chưa liên lạc.

    “Sao họ cho mình ít rau thế nhỉ? Thiệt là hết chỗ nói.” – cô gái nghĩ. “Cô ơi, cho con thêm ít rau muống.”
    “Rau trụng hay rau sống?”
    “Rau trụng.”

    Một cô bé, tầm đầu hai mươi, cậu bạn trai người Tây chạc tuổi, ngồi xuống bàn người phụ nữ vừa đi. Cô bé ngồi quay lưng nên chỉ thấy mái tóc đen dài xõa ngang lưng, mặc một chiếc áo phông đen, quần jeans đen, đôi giày converse đen. Nhìn ra cô bé rất cá tính.

    “Can you smell it? There is fish sauce in Bun Bo.”

    “Yeah, yeah. I can eat it. It’s ok.”

    Họ nói cái gì đó với nhau. Cậu bạn trai phá ra cười. Trông có vẻ rất vui.

    Từ nhỏ tới lớn, hai người đàn ông mà cô đi ăn riêng chỉ có bố và anh trai. Cô gái bỗng tò mò, cảm giác đi ăn với người con trai mình thích sẽ như thế nào nhỉ.

    “Tính tiền chú ơi.” “Của con sáu chục.”

    Cô bước ra khỏi tiệm, đi về văn phòng. Hai chàng trai lúc nãy giờ đã thành năm chàng cùng năm ly cà phê trước mặt. Họ túm tụm hút thuốc, nói cười, rồi lơ đãng ngó ra xa xa, nơi những tòa nhà chọc trời xếp cạnh nhau như mấy quân cờ domino dày đặc, những đám mây to bè lững lờ trôi.

    Tự nhiên thèm ngọt, cô muốn ghé đến chỗ tiệm cà phê nơi mấy chàng trai đang ngồi, mua cái gì đó, với thật nhiều đường. Nhưng nghĩ đến việc chạm mặt, phải chào hỏi, hoặc chí ít là mỉm cười để họ tránh nghĩ cô làm duyên làm dáng, nghĩ đến đó lại nản chí.

    Cô quay lưng bước vào văn phòng, nghĩ ngợi: “Vì sao mình lại chẳng còn thấy vui vẻ gì nữa? Lần cuối cùng mình thấy hạnh phúc là tự bao giờ? Có lẽ mình phải tìm ra nguyên nhân vì sao. 

Comments

Popular Posts