Tháng 4 tôi đọc

1. THƯ GỬI NGƯỜI THI SĨ TRẺ TUỔI - Rainer Maria Rilke 

"Chúng ta là nỗi cô đơn. Thực thế, chúng ta có thể tráo trở và coi như sự việc không hẳn là thế. Nhưng tất cả chỉ là thế. Nhưng tốt hơn vẫn là nên hiểu rằng chúng ta là nỗi cô đơn." 

Đây có lẽ là cuốn sách MUST-HAVE. Nó bao gồm 10 lá thư thi sĩ Rilke gửi cho một nhà thơ trẻ tuổi băn khoăn về con đường sáng tác của y. Chúng ta không biết nhà thơ trẻ tuổi đó hỏi những gì, nhưng những lá thư hồi đáp của ông đủ để khiến tác phẩm này trở thành "kiệt tác trong văn nghệ hiện đại Đức quốc". Nó chứa đựng những suy ngẫm giản dị nhưng đầy lôi cuốn bởi vị "thi sĩ nổi tiếng nhất và cô đơn nhất trong văn nghệ Đức ở thế kỷ XX".

Dưới đây là những ghi chú của tôi: 

- Trong sự sáng tác, điều cần thiết là tìm về nội tâm mình, hiểu rõ chính mình. (Bức thư thứ nhất)

- Học từ người đi trước, từ sách vở và những tác phẩm đáng ngưỡng mộ. (Bức thư thứ hai)

- Khi chúng ta sống trong một hoàn cảnh thiếu thốn vật chất thì tâm hồn ta giàu có để sáng tác. Những người nghệ sĩ không thể sáng tác những thứ rung động lòng người khi ở trong tình cảnh đủ đầy. Chỉ có sự nghèo nàn vật chất mới làm phong phú và giàu có tâm hồn. Quả là một nghịch lý kỳ lạ! (Bức thứ thứ ba) 

- Về sự vật tầm thường: những sự vật chỉ còn lại xác được bàn tán và phụng thờ, trọng vọng. (Bức thư thứ năm)

- Về nỗi cô đơn: khi con người cô đơn trơ trụi một mình giữa tự nhiên. Họ trút bỏ toàn bộ lớp vỏ ngoài. (Bức thư thứ sáu)

- Về nỗi buồn: không thể giả quyết nó bằng những sự vật tạm thời. (bức thư thứ tám) 

2. MẶT TRỜI KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỰC - Phạm Công Thiện 


Tò mò về Phạm Công Thiện nên tôi tìm đọc tuỳ bút khá nổi tiếng của ông để hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn. Song phải mất hơn một tháng rưỡi tôi mới hoàn thành được quyển tuỳ bút này một cách đầy khó nhọc và ngắt quãng. Tôi đoán Phạm Công Thiện viết cuốn tuỳ bút này vào khoảng 26 - 27 tuổi như tôi bây giờ. Thế nên tôi có thể hiểu được đôi chút cảm giác lạc lõng và băn khoăn này. Nhưng có lẽ nó được viết với một thái độ quá cùng cực. Nó không hẳn là tiêu cực nhưng nó khiến cho người đọc cảm thấy sợ hãi và mệt mỏi tột độ. 

Có lẽ tôi không thể hiểu hết về nó, về những thông điệp triết lý mà Phạm Công Thiện muốn truyền tải, và những suy nghĩ của ông trong quãng đời đó. Nhưng tôi có lẽ sẽ không dám đọc lại cuốn tuỳ bút này lần thứ hai. Cảm giác như vừa xem xong phim của Kim Ki Duk. 

Comments

Popular Posts