Tâm sự chuyện học văn

    Lúc nhỏ công việc thường nhất của tập làm văn chính là phân tích tác phẩm của các thi hào Việt Nam. Một nhà đại phê bình cũng bắt nguồn từ một nhà đại phê bình nghiệp dư. 

    Lúc nhỏ hầu hết những ý tưởng đều là do vay mượn, do các thầy cô bú móm mà cho, như những con gà con được mẹ móm mồi. Để rồi đến lúc trưởng thành, tự nhìn nhận và phân tích một tác phẩm văn học, há có ai tự tin làm được. Tôi thấy buồn tủi thay cho chính mình vì há chăng bản thân cũng lâm phải vào cái tình cảnh ấy. Mà đối với một đứa trẻ bì bõm lúc bấy giờ, tôi nhớ cái tự do sáng tác và nhận định, cái dũng khí bày tỏ chính kiến cũng thả trôi sông cùng nỗi sợ bị các thầy cô "đại thi sĩ" phê bình và phán xét bằng điểm phẩy. 

    Những khi đó nhìn các cậu chàng bị một điểm văn, tôi cho họ là những đại anh hùng. Vì ít nhất họ cũng dám bày tỏ những điều không ai dám nói, không ai dám nghĩ. Một kẻ thường được tám chín điểm văn như tôi lại luôn khinh rẻ chính mình vì chỉ dám nói những điều được đúc khuôn, không có lấy một chút sáng kiến thoát ly khỏi bức tường tư tưởng được đào móng, đổ bê tông. Tuy vậy có cho phép thì tôi cũng chẳng thể làm được vì tôi đã quá quen với lối tư duy chiều lòng người khác và viết những gì được cho phép viết. Là kẻ chỉ dám đứng trong dải phân cách mà người khác đã vạch ra. 

    Có lẽ vậy mà tôi chẳng bao giờ dám tự nhận mình "thật" giỏi văn. Vì tâm can tôi hiểu rõ những cái mình viết không thật là của mình, chỉ là vay mượn từ góc nhìn và sự cho phép của người khác. 

    Tôi ước rằng cha mẹ có con nhỏ đi học đừng vội dè biểu và đánh giá con thơ về tài năng văn chương của chúng bằng những con điểm và lời phê bình khuôn mẫu sáo rỗng. Hãy nhẹ nhàng đánh giá sự sáng tạo và tính "dám nghĩ dám làm" của trẻ nhỏ. Hãy tiếp thêm dũng khí cho chúng vùng vẫy trong cái hồ nước của sự trong sáng và chân thành. 

    Giờ đây, khi gần chạm ngưỡng ba mươi, ngồi viết những dòng này, tôi vẫn phải lần mò mỗi ngày để khôi phục lại bản năng sáng tạo, lòng dũng cảm, thứ đã bị vùi dập, o ép quá lâu trong cái khuôn khổ và lằn ranh của chuẩn mực. Đây là căn bệnh nan ý cần phải được chữa trị, nhổ bỏ cái gốc rễ đã hình thành và ăn sâu trong tư tưởng. 

    Làm văn do vậy là môi trường giúp tôi phục hồi đức tin, bày tỏ chính kiến. Là môi trường khuyến khích "đứa trẻ bên trong" từng bị lãng quên nay lại được tự do lên tiếng. 

Comments

Popular Posts