Tháng 2 tôi đọc

 1. RILKE - Phạm Công Thiện: 

"Thiên tài có nghĩa là sự chín đỏ của nỗi chết bí mật trong hai bàn tay làm việc với hư vô" 

Phạm Công Thiện là người yêu Rilke. Tuy không biết Rilke nhưng sau khi đọc xong bỗng dưng tôi cũng yêu Rilke như Phạm Công Thiện. Vì tư tưởng về nghệ thuật của ông thật lạ kỳ, chỉ gói gọn trong hai từ: chờ đợi và kiên nhẫn. Mà đặc biệt là chờ đợi trong "sự vô định bấp bênh đến nghẹt thở", và kiên nhẫn trong "những đêm tối trầm lặng". Hơn nữa, điều làm nên sự độc đáo của cuốn sách này vì nó được viết bởi Phạm Công Thiện, người được mệnh danh là thần đồng ngôn ngữ, nên khi đọc sẽ bắt gặp các từ vựng lần đầu tiên mới thấy. Chẳng hạn "ồ đêm tối, đêm tối, khi gió tràn lên những khoảng trống trần gian", hay "những người không có quê hương trong thời gian". Và cuối cùng, thơ cũng là một dạng triết học. Từng đọc qua tiểu sử của Heidegger và biết ông viết triết bằng thơ, nhưng đến khi đọc Rilke tôi mới mở mang tầm mắt thấy "triết trong thơ" là như thế nào. 

2. ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ VĂN - Nguyễn Duy Cần: 

"Tập làm văn là phương pháp tự học cụ thể và hiệu quả nhất vì nó bắt buộc mình phải phô diễn ra bằng lời nói những gì đang thầm nghĩ trong tâm tư. Không nói hay viết ra được một cách rõ ràng là mình chưa thật hiểu, chưa thật biết."

Cuốn sách này được xây dựng trong hai phần: những điều cần biết để trở thành nhà văn (đó là cách viết) và để thành nhà phê bình (đó là phải đọc). Viết và Đọc có thể nói là 2 cái kiềng bắt buộc, bỗ trợ và ảnh hưởng lẫn nhau trong nghề viết của một nhà văn. 
    Như Regina Brett nói "a writer writes", điều quan trọng nhất của một nhà văn là chỉ có viết mà thôi. Nhưng viết là yếu tố cần chứ chưa đủ, vậy những yếu tố đủ là gì? Phần thứ nhất là câu trả lời sáng suốt và khôn ngoan nhất cho câu hỏi đó. 
    Nguyễn Duy Cần cũng nói thêm rằng "chưa từng thấy một nhà văn nào mà đọc sách ít, hay không thích đọc sách". Trước nhất là đọc, rồi mới viết sau. Viết ra những cái mình đọc là làm trọn cả hai phần trong sách. Và đó cũng là phương pháp tự học hiệu quả nhất. 

3. MỘT CON TIM BIẾT LẮNG NGHE - Sr. Jeanne D'Arc, O.P 

"Đối với Thiên Chúa, biết lắng nghe chính là hết thảy sự khôn ngoan và trí tuệ." 

Lắng nghe bằng trái tim là gì? Nó gói gọn trong ba từ: thing lặng, cởi mở, và yêu thương. 
    Lắng nghe với tha nhân: thinh lặng là sẵn sàng cho đi quỹ thời gian quý báu. Cởi mở nghĩa là không làm gì cả ngoài một việc là lắng nghe thôi, cả việc chuẩn bị câu trả lời, hay những giải pháp cho những vấn đề đang nghe. Và yêu thương là nhẫn nại, nhẫn nại trong thinh lặng.    
    Lắng nghe trong cầu nguyện với Thiên Chúa: thinh lặng là nguyện ngắm, là ngắm nhìn, là đứng chầu. Cởi mở nghĩa là để cho Người thấy những vết thương sâu kín, kiên nhẫn dành cho Người thời gian để chữa lành. Và yêu thương là cho đi, nghĩa là buông bỏ chính mình, buông bỏ mọi sự cả thể xác lẫn linh hồn trong tay Thiên Chúa.  

Comments

Popular Posts