Tôi tin vào tình yêu: Tự Tin Trong Khiêm Hạ (2)

Bài giảng 2

Tự Tin Trong Khiêm Hạ

VII.

Anh chị em nên tin vào tình yêu Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Tình yêu mời gọi tình yêu. Vậy làm thế nào chúng ta trao tình yêu cho Chúa Giê-su? Trước hết và trên hết, chúng ta phải tự tin nơi Người.

Sự tự tin – từ này gói gọn trong 3 đức tính thần học: đức tin, đức cậy, và đức mến – những đức tính này là tối thượng trong những đức tính khác. Nhưng nếu những đức tính này là tối thượng, thì nó cũng đòi hỏi chúng ta phải có sự dũng cảm tối thượng để học biết chúng trong mầu nhiệm của một “Thiên Chúa ẩn mình”.

Con người phải dũng cảm để sống đức tin, đức cậy và đức mến. Tại sao vậy? Bởi vì hệ quả của Tội Nguyên Tổ, không ai có thể tin chắc vào đức tin mà nhờ đó anh ta được cứu, nhưng là xác tín cậy dựa vào ân sủng; và bởi vì là những kẻ có tội nên chúng ta luôn bị cám dỗ để nghi ngờ và lo lắng.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa việc khao khát Thiên Chúa và sự bất lực của chúng ta mà Chúa Giê-su đã xuống thế gian và mặc lấy những yếu đuối đó. Thánh Tê-rê-sa hiểu rằng tình trạng bất lực nơi chúng ta chính là yếu tố thu hút lòng thương xót nơi Người.

Trước Tê-rê-sa Hài Đồng, thánh Phao-lô đã viết rằng: “Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào vì những yếu đuối trong tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở trong tôi.” “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng đã ban sức mạnh cho tôi.” Thật mạnh mẽ làm sao giáo lý của thánh Phao-lô! Ông đã mừng vui trong sự bất lực; hân hoan khi ở trong yếu đuối, bởi vì Chúa Giê-su cũng ở đấy, trong sự yếu đuối của ông.

Vì vậy chính lòng tự tin, và không gì khác ngoài tự tin, sẽ mở cánh tay Thiên Chúa để Người ôm ấp chúng ta. Sự tự tin là chìa khóa vàng mở cửa Trái Tim Thiên Chúa.

Khi so sánh bản thân mình với các thánh trong sự khao khát được nên thánh thiện, Tê-rê-sa nói rằng có một sự khác biệt giữa chị và các thánh, sự khác biệt này giống như sự khác biệt giữa một đỉnh núi mất hút sau thiên đàng và một hạt cát nhỏ bé, bị dẫm đạp dưới bàn chân khách bộ hành. Thay vì trở nên chán nản, chị thánh nghĩ: 

Thiên Chúa tốt lành không ban đến những khao khát không với tới được; vì vậy bất chấp sự bé mọn của mình, em vẫn khao khát sự thánh thiện. Với em để trở nên hoàn thiện thật bất khả thi; em chỉ phải đặt mình như chính mình với tất cả sự thiếu hoàn thiện này. Nhưng em ước mình sẽ tìm ra con đường đến Thiên Đàng bằng một cách thẳng tắp, ngắn và hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở thế kỷ của những phát minh, bây giờ chẳng ai phải khổ sở leo lên những bậc thang nữa; trong ngôi nhà của người giàu, thang máy thay thế cho những bậc thang một cách hoàn hảo. Em cũng muốn tìm một chiếc thang máy nâng mình lên tới Chúa Giê-su, vì em quá bé mọn để leo lên những bậc thang khó nhọc trên con đường trọn lành. Thế là, em tìm xem sách về các thánh hòng tìm thấy chiếc thang máy mà em đang mong ước, và em đọc được những lời này từ miệng Đấng Khôn Ngoan vĩnh cửu: “Hỡi người bé mọn, hãy đến với ta.” Vì vậy em đã tới, biết rằng mình đã tìm thấy những gì mình đang mong đợi và tìm kiếm, và lạy Chúa, đây là những gì Người sẽ làm với kẻ bé mọn luôn sẵn sàng trả lời tiếng gọi của Người:

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy. Ta sẽ ôm các ngươi vào lòng và nâng niu trên đầu gối.” Chưa có lời nào dịu dàng hơn những lời này khiến tấm hồn em hân hoan vui sướng. Thang máy nâng em lên tới thiên đàng chính là cánh tay Chúa Giê-su. Ôi Lạy Chúa! Vì vậy mà con chẳng cần phải lớn nữa; nhưng ngược lại, con phải giữ mình thật nhỏ bé, càng ngày càng bé mọn hơn. Ôi lạy Chúa, Người đã ban cho con những gì con cần, và con muốn hát lên lòng thương xót của Người. 

Giáo lý của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng là tiếng vọng vang trong lời thánh Phao-lô, được tóm tắt và đặt trong những dòng này, nhờ đó chúng ta có thể suy ngẫm mãi mà không mệt mỏi về sự trù phú của nó.

Những gì tôi không thể làm bằng chính sức mình, Chúa Giê-su sẽ làm cho tôi. Ngài sẽ nắm lấy tôi và nâng tôi lên tận đỉnh núi của sự hoàn thiện, lên tận đỉnh núi của tình yêu thương.

Quả thật, bản năng tự nhiên của chúng ta là tìm kiếm để leo lên những bậc thang khó nhọc, thay vì chỉ cần nhẹ nhàng đi vào thang máy là cánh tay yêu thương của Chúa Giê-su. Bởi vì chúng ta bị nhắc nhớ quá nhiều về những vấp ngã của mình. Chúng ta bị nói, một cách công bằng, rằng chúng ta là những kẻ khốn khổ, rồi sau đó, chúng ta mới được nghe rằng Chúa Giê-su là Đấng tốt lành, đúng vậy, nhưng vẫn chưa nói hết được về sự tốt lành bao la, sự tốt lành vô bờ, lòng thương xót vô biên. Không ai nói với chúng ta đồng thời rằng Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc trước khi Ngài là vị Thẩm Phán Uy Quyền, trong Trái Tim Thiên Chúa “hòa bình công lý đã giao duyên.”

Chúng ta được dạy hình thành thói quen chăm chăm nhìn vào mặt tối, vào sự bất toàn mà không nhìn vào Mặt Trời chân lý, Ánh Sáng của Ánh Sáng, là Thiên Chúa, Đấng đã hóa bụi đất là con người thành vàng nguyên chất. Chúng ta nghĩ đến việc kiểm điểm bản thân, nhưng lại không nghĩ, trước kiểm điểm, trong lúc kiểm điểm, và sau kiểm điểm, việc ném tất cả đau khổ vào lò lửa thanh tẩy và biến đổi chính là Trái Tim Chúa Giê-su, nó được mở ra chỉ bằng một hành động duy nhất là tự tin trong khiêm hạ. 

Tôi không đang nói với anh chị em, “Chúng ta tin tưởng nhiều vào sự bất toàn của mình.” Chúng ta bất toàn hơn những gì chúng ta có thể nhận thấy. Nhưng tôi đang nói với anh chị em: “Chúng ta không tin tưởng đủ nhiều vào tình yêu thương xót.”

Chúng ta phải tự tin, không phải bởi vì đau khổ, nhưng bởi vì đau khổ thu hút lòng thương xót. 

Ôi, từ ngữ này, lòng thương xót – misericordia – “miseries cor dare,” một Trái Tim cho đi chính mình trong đau khổ, một Trái Tim nuôi dưỡng chính mình bởi đau khổ. Hãy suy niệm về từ ngữ này. 

Thánh Tô-ma Aquinô nói “lòng thương xót là bản tính tự nhiên của Thiên Chúa, và nhờ đó mà sự vĩ đại nơi Người được bày tỏ ở mức tối cao.”

Thánh Tê-rê-sa bé nhỏ nhận thức điều này khi viết trong bản nháp nhật ký những dòng mà nhờ vậy nó trở nên hoàn hảo và được tôn vinh: “Vâng, em nhận thấy bằng ý thức những tội lỗi mà em đã phạm, và vì thế mà trái tim em tan nát, em ăn năn và tự ném mình vào vòng tay của Chúa Giê-su, vì em biết Người luôn ấp ủ trìu mến đứa con hoang đàng nay trở về bên Người. Đó không phải vì Chúa muốn chứng minh lòng thương xót bằng cách cứu lấy tâm hồn em khỏi những tội lỗi, mà vì em đã được nâng lên tới Chúa nhờ vào tự tin và tình yêu.”

Một lần nữa, khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi chết, chị thánh nói với mẹ Agnes rằng, “Mẹ hoàn toàn có thể nói nếu như con đã phạm mọi tội lỗi khả dĩ, con vẫn một lòng tự tin như thế, con thấy rằng sự xúc phạm vô số đó giống như một giọt nước được ném vào lò lửa Trái Tim Chúa.” Tất cả tội lỗi khả dĩ, vô số sự xúc phạm, một giọt nước trong lò lửa Trái Tim Chúa: đều là một tỷ lệ. 

Và sự xác tin này thật hợp lý, thật không thể chối bỏ.

Khi tôi giảng về giáo lý hãy tự tin trong sự khốn khổ của mình, được thánh Tê-rê-sa hướng dẫn hỗ trợ, tôi đã thường xuyên, rất thường xuyên nghe những câu bắt bẻ thế này: “Vâng, chị thánh có được sự tự tin tuyệt vời đó là bởi vì ngay từ tuổi lên ba chị ấy đã chẳng từ chối Chúa sự gì. Nếu tôi cũng tự tin nói rằng mình chẳng chối từ Chúa điều gì ngay từ tấm bé, vậy cũng dễ dàng cho tôi có lòng tự tin như chị ấy.”

Vâng, mọi người thường có những lý lẽ như thế và tôi hoàn toàn hiểu được tại sao nó lại xảy đến. Nhưng chị thánh đã hoàn toàn tiên liệu được điều đó và trả lời bằng những dòng cuối cùng trong lá thư gửi sơ Maria of Sacred Heart, một giáo lý quan trọng tối thượng. Giống như một ý nguyện:

Ôi, lạy Chúa Giê-su, con ước gì có thể nói với những linh hồn bé nhỏ về sự chiếu cố vô tiền khoán hậu của Người…Con thấy nếu Người có thể tìm kiếm linh hồn nào yếu đuối và bé mọn hơn con (dù điều này dường như bất khả thi), Người sẽ vui lòng đổ tràn trên linh hồn ân sủng thiêng liêng, nếu linh hồn chịu từ bỏ chính mình phó thác hoàn toàn vào lòng thương xót vô biên của Người.

Tôi có thể tưởng tượng một cách rõ ràng những diễn biến trong tâm hồn và trái tim chị. Chị đã ước ao thu hút những linh hồn bé mọn đi theo mình, và nghĩ họ sẽ bị cám dỗ trở nên chán nản khi nhìn thấy lòng tự tin tuyệt đối nơi chị, vì vậy chị phải lên tiếng nói rằng nếu có một linh hồn còn đau khổ hơn chị, linh hồn sẽ nhận được nhiều hồng ân còn hơn chính chị, miễn là linh hồn trao mình trọn vẹn vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều này là sự thật, bởi vì tình yêu thương xót là dành cho những kẻ khốn khổ. 

Tôi muốn dõng dạc nói với anh chị em một điều. Những diễn ngôn này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hướng dẫn đời sống nội tâm tôi.

Có lần, khi nhìn thấy bản thân mình ở trạng thái hoàn hảo trong điều kiện thứ nhất mà chị thánh nói tới, đó là yếu đuối hơn cả chị, tôi quyết định áp dụng chính mình trong điều kiện thứ hai: đó là trao mình trọn vẹn trong sự tự tin.

Chị thánh biết sức nặng lời lẽ chị ấy dùng. Chị ấy đòi hỏi sự từ bỏ chính mình, và tôi nên nói với anh chị em rằng sự từ bỏ được hiểu đúng đắn ở đây có nghĩa là buông bỏ mọi thứ ở cảnh giới cao nhất. Và chị thánh đòi hỏi ở đây không chỉ là sự tín thác lớn lao, đó là sự tín thác đến mức trở nên khờ dại, chị thánh đòi hỏi sự tín thác tuyệt đối – có thể nói rằng, sự tín thác lớn lao đến mức như chính sự yếu đuối của ta, như chính những nỗi đau đớn khôn nguôi của ta.

Lẽ dĩ nhiên, khi chúng ta nhìn thấy bản thân vô cùng bất xứng, sợ hãi, lầm lỡ mỗi giây mỗi phút, làm thế nào chúng ta có thể chống cự lại cơn cám dỗ mà tín thác? Sự băn khoăn hiện đến: “Phải chăng tình yêu Chúa Giê-su, lòng thương xót nơi Người vĩ đại cỡ nào? Liệu nó có vĩ đại đến nỗi chứa đựng được tất cả những điều đó?” Tình yêu thương xót nơi Người không có giới hạn; lòng thương xót nơi Người vô chừng vô hạn. 

Đó là lý do tại sao anh chị em có thể và phải sống theo giáo lý này vì nó như cánh cổng Thiên Đàng mở ra cho những kẻ đau khổ tột cùng và con đường nên thánh cho những kẻ nghèo hèn nhất. Tôi khăng khăng nhấn mạnh điểm này vì tôi biết sự phản đối chấp nhận đau khổ sẽ luôn quay lại trong cuộc tranh đấu hằng ngày cho đến khi ta tiến tới sự trọn lành. 

Và không chỉ thánh Phao-lô, hay Tê-rê-sa Hài Đồng, chính Tin Mừng đã dạy chúng ta giáo lý cứu độ này. Ở nơi Tin Mừng chúng ta nhìn thấy những gì Chúa Giê-su đòi hỏi, trước và trên tất cả, đó là sự khiêm nhường và lòng tự tin. 

VIII. 

Hãy nhìn đứa con hoang đàng mà xem. Anh ta bỏ nhà cha mình ra đi. Anh ta hành xử vô ơn với người cha tốt lành; đòi được chia hết tài sản để rồi khuất biệt xa xăm mà đàn đúm ăn chơi. Ngay khi anh nhận ra mình đã tiêu xài hết cả và lúc này bắt buộc phải tự nhìn nhận. Trong tình trạng bị bỏ rơi hoàn toàn, anh ta nhận được ơn nhớ lại sự tốt lành của cha. “Ta nên đứng dậy mà về cùng cha.” Đó là lòng tự tin. Nhưng một cách khiêm tốn, anh ta nhìn nhận bản thân là kẻ có tội: “Ta nên thưa với cha rằng, thưa cha, con đã có tội với Trời và với cha, không đáng được gọi là con cha nữa. Xin cha cho con làm mướn như những kẻ làm thuê cho cha vậy.”

Anh chị em biết người cha đã nhận lại anh thế nào, chẳng phải kẻ làm thuê, nhưng là con yêu dấu. Nhìn thấy anh từ xa, người cha động lòng thương xót mà chạy đến, giữ lấy cổ, kéo anh vào lòng ôm lấy, rồi nói với đầy tớ, “Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mà mặc cho cậu, đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân, hãy bắt con bê béo mà làm thịt ăn mừng.” Và có tiếng nhạc đàn hát, nhảy múa. Những chi tiết ý nghĩa này là hồi kết cho câu chuyện để chúng ta thấy rằng, người cha hân hoan hớn hở trong niềm hạnh phúc. Tại sao vậy? Người cha giải thích điều này với người anh trai đang nổi lòng ghen tị: “Em con đây đã chết mà nay sống lại; đã mất mà nay được tìm thấy.”

Ôi, niềm khao khát và cần kíp của Người Cha Đầy Lòng Thương Xót khi có lại được đứa con đã mất, và trao cho anh ta một đời sống mới! Đó là tấm lòng của Thiên Chúa!

Hãy nhớ rằng, khi anh chị em đỡ mình đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, bữa tiệc chào đón người con hoang đàng luôn chờ sẵn. Người Cha trên Trời sẽ mặc cho anh chị em áo choàng đẹp nhất, đặt nhẫn vào ngón tay, và bảo ta nhảy múa với niềm hân hoan. Khi sống trong đức tin, chúng ta sẽ không kéo lê chân mà xưng tội, mà như thể được dự phần vào bữa tiệc, ngay cả khi phải nỗ lực to lớn để khiêm hạ và vượt qua cái nhàm trong thói quen phạm tội. 

Sau khi được ơn tha tội, chúng ta nên nhảy mừng như đứa con hoang đàng đã làm và cũng vì niềm vui sướng của người cha. Chúng ta đã không nhảy múa đủ trong đời sống đức tin của mình.

Câu chuyện ngụ ngôn kỳ diệu này dạy chúng ta một bài học quan trọng. Cha mẹ, những nhà giáo dục, giúp con trẻ tín thác vào sự chăm sóc hiểu được lòng thương xót vô bờ này bằng cách tin và tự thực hành nó. Niềm tin sẽ giúp chúng không còn lầm lạc, và nếu chúng thất bại, chúng sẽ biết cách đứng dậy; chúng sẽ trở về bởi vì ta đã giúp chúng làm quen với sự dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng sẽ nói, “Tôi biết Thiên Chúa tốt lành như thế nào. Tôi biết mình có thể nấp vào lòng thương xót nơi Người. Từ đáy sâu của tội lỗi, tôi sẽ đứng dậy và trở về cùng cha tôi.”

Họ sẽ là những bậc cha mẹ hạnh phúc bởi đã cho con cái thấy không phải là sự yếu đuối hay thỏa hiệp, nhưng là lòng tốt như chính Thiên Chúa vậy, trong những lúc khó khăn nhất, chúng có thể dõng dạc đầy khiêm nhường để nói, “Tôi sẽ đứng dậy và về với cha tôi; tôi sẽ đứng dậy và về với mẹ tôi; và nhờ họ, tôi sẽ đến được với Cha, Người ngự trên Thiên Đàng.” Bao nhiêu đứa trẻ đã mất đức tin, không phải bởi vì sa ngã, nhưng bởi vì không được giúp đỡ, với tình thương sẽ được nâng dậy bất kể khi nào cần thiết.

Người trộm lành cũng dạy chúng ta về sự khiêm nhường và lòng tự tin. Một cuộc đời phạm pháp, một cuộc đời tội lỗi: vậy mà chỉ vài phút trước khi chết, chỉ một từ với lòng khiêm nhường và tự tin, anh ta được cứu.

Cùng như cái cách mà người con hoang đàng đã nhận ra lỗi lầm của mình, người trộm lành nói với đồng phạm rằng: “chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm.” Rồi khi nhìn sâu vào đôi mắt Chúa Giê-su và đọc biết được chính Người là: Đấng Cứu Chuộc nhân lành.

“Ông Giê-su ơi, khi ông vào nước của ông xin nhớ đến tôi.”

Và nhận được câu trả lời ngoài mong đợi, “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Đối với anh ta, chẳng có Địa Ngục, và càng không là Luyện Ngục. Ánh mắt tự tin anh trao cho ta, khoảnh khắc đôi mắt chúng ta chạm nhau, trong lòng thương xót của ta và niềm tín thác của anh đã thanh tẩy anh ngay phút chốc và khiến chúng ta không còn chia lìa. Bây giờ anh đã hoàn toàn thanh sạch và đã ở trên Trời.

Một cuộc đời tội lỗi, một sự khiêm nhường với cái nhìn tự tin hướng về Thập Giá, và đó là vị thánh đầu tiên được tuyên phong, được chính Chúa Giê-su phong ấn. Kẻ trộm cướp Thiên Đàng!

Khi anh chị em thấy mình đau khổ sau hành động của lòng bất tín, những vấp ngã khiến anh chị em phải xấu hổ, nếu ta hướng mắt nhìn về Chúa Giê-su với cái nhìn của người trộm lành, chẳng lẽ ta lại không tin mình sẽ được thanh tẩy ngay khoảnh khắc đó, và hơn người trộm lành, anh chị em - những người bước vào cuộc tĩnh tâm này để yêu mến Chúa nhiều hơn, lại không tin ư? Rồi sẽ có thôi, với điều kiện ta cũng có lòng khiêm nhường như người trộm lành và lòng tự tin, khát khao được vào Thiên Đàng như anh ta.

IX.

Chúa Giê-su chẳng cần gì ngoài sự khiêm nhường và tự tin để làm công việc kỳ diệu là thanh tẩy và thánh hóa chúng ta. Và lòng tự tin chính là một phần của đức khiêm nhường, bởi vì mức độ mà anh chị em nhận ra sự cần kíp của Chúa Giê-su khi cầu cứu Người, và mức độ của sự cần kíp tương đương như mức độ bất xứng của chúng ta.  

Hãy nghĩ về người phụ nữ Ca-na-an: cô là một kẻ ngoại giáo, một người ngoài cuộc. Cô cầu xin Chúa Giê-su cứu lấy đứa con gái bị quỷ ám. Chúa Giê-su nói với cô rằng Người đến Ít-ra-en vì đàn chiên lạc của mình, Người không có việc gì với cô cả. Khiêm hạ, cô chấp nhận sự thật ấy, những với lòng tự tin cô tiếp tục nài nỉ, “Lạy Chúa, xin giúp đỡ con.” Và Chúa Giê-su biểu lộ sự nghiêm khắc của mình cao hơn. Thông thường Người làm như thế với những linh hồn mà Người muốn đặt họ vào vị trí cao hơn trong Trái Tim, Người thử thách đức tin của họ. Người đáp lời rằng: “Lấy bánh của con cái mà ném cho chó ăn là điều không phải lẽ.” Người phụ nữ Ca-na-an với sự khiêm nhường đầy tự tin, cô ấy đã tìm thấy câu trả lời thích đáng: “Lạy Chúa, đúng như vậy, nhưng mấy con chó vẫn được ăn những miếng bánh vụn từ bàn chủ rơi xuống.” Cô ta đã không xin gì hơn là những miếng bánh vụn trong bàn tiệc lòng thương xót! Chúa Giê-su đã động lòng.

“Hỡi người phụ nữ kia, ngươi có đức tin lớn! Điều ngươi ao ước sẽ được thành: Fiat tibi sicut vis.

“Ngươi đã đánh cắp trái tim ta; ngươi đã đánh cắp ý muốn của ta bằng đức tin được đong đầy với tình thương của ngươi; Ta có thể từ chối ngươi sự gì chăng.”

Hơn thế nữa, có quá không khi chúng ta nói rằng linh hồn đầy tự tin đó đã đánh cắp Thiên Chúa Toàn Năng?

Ta đã chẳng phải là kẻ ngoại giáo, ta đã chẳng phải là lũ chó dưới bàn ăn, nhưng là con cái trong nhà Người chịu thanh tẩy bằng phép rửa, ta có thể - và phải – chạy đến với Chúa Giê-su với lòng tín thác mạnh mẽ còn hơn cả người phụ nữ Ca-na-an kia, nhận biết mình không có công lao gì nhưng lại có thể được nhận mọi sự tốt lành và lòng thương xót vô biên nơi Thiên Chúa.

Hãy nhớ lại viên đại đội trưởng: cũng với những phẩm chất tương tự - lòng khiêm nhường và tự tin. “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Và ông giải thích, “tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi”, là nó đi, bảo người kia: “Đến”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này”, là nó làm.”

Chúa Giê-su trả lời trong sự ngưỡng mộ tính hợp lý kia: “Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế…Ông cứ về đi, ông tin như thế nào thì được như vậy.”

Trong tinh thần như viên đại đội trưởng, anh chị em cũng phải thưa rằng, “Con chẳng đáng được lãnh nhận Người; con chẳng có công lao gì; con là kẻ ở dưới đáy vực của sự yếu đuối và nhút nhát; con đã bao lần quyết tâm mà chẳng giữ nổi nó; con đã vấp phạm hết lần này đến lần khác. Nhưng Chúa Giê-su, chỉ cần một lời, linh hồn con sẽ được lành mạnh.”

Chúa Giê-su đã quá đỗi vui sướng khi nghe lời của viên đại đội trưởng đến nổi Người muốn lời đó trở thành lời kinh Phụng Vụ trong mỗi Thánh Lễ, cho đến muôn đời đó là lời đáp mỗi khi chúng ta sửa soạn nhận Mình Thánh Chúa. 

Tôi có thể tưởng tượng viên đại đội trưởng trên Thiên Đàng, hưởng thụ vinh quang phúc lành không kể xiết khi nghe những lời này được thưa, những lời nơi trái tim ông được lặp lại trong khoảnh khắc Chúa Giê-su biến Mình thành Bánh và ngự trong cung lòng của linh mục và các giáo dân, trong mỗi thánh lễ được cử hành trên toàn thế giới, và kéo dài đến muôn thuở muôn đời. Thật là Thiên Đàng dành cho ông! Thật là vinh quang! Tại sao ư? Bởi vì ông ta đã tự nhận thấy sự bất xứng nơi mình và ông ta đã tin.

Khi Chúa Giê-su thử thách niềm tin chúng ta, như người phụ nữ Ca-na-an và viên đại đội trưởng, hãy cho Người sự đáp lời lấy cảm hứng từ Đức Khôn Ngoan đời đời dành cho kẻ bé mọn, và Người cũng sẽ thỏa lấp sự ngưỡng mộ, đổ tràn ân sủng Người trên ta.

X.

Chúa Giê-su than thở điều gì nhiều nhất khi Người ở với các môn đệ? Đó là thiếu lòng tự tin. “Những kẻ kém lòng tin!” Chúa đã thường trách móc họ như vậy. Chúa không nói với họ, “Này những kẻ không có phẩm chất, những kẻ uể oải, thiếu kỷ luật.” Người nói, “Những kẻ kém lòng tin!”

Ở giữa biển hồ Ti-bê-ri-a, khi Chúa Giê-su nằm trên thuyền với các môn đệ. Khi Người đang thiếp ngủ phía sau mạn thuyền. Một cơn bão dữ dội nổi lên, và sóng đánh úp vào mạn thuyền khiến con thuyền ngập nước. Cảm thấy hoảng loạn, các môn đệ đánh thức Chúa dậy: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Và Người trỗi dậy, ngăn đe gió và biển, “Bình yên! Hãy tĩnh lặng!” Và gió dịu bớt, bình an kéo đến. Sau đó, Người quay sang các môn đệ mà nói, “Lòng tin của các anh ở đâu?” Tôi có thể nghe thấy tiếng Chúa khiển trách họ dịu dàng, nhưng không kém đau lòng: “Tại sao vậy? Thầy đã ở trên thuyền cùng các anh mà – Thầy đã thiếp đi, nhưng thầy vẫn ở đây – còn các anh thì hoảng sợ, kinh hãi. Các anh đã nghi ngờ quyền năng và cả tình yêu của Thầy. Các anh không nhận ra sau tất cả Thầy là ai ư, và các anh không nhận thấy sau tất cả Trái Tim dịu hiền của Thầy đang dõi theo các anh không ngơi nghỉ ư?” Thật chất, chính nỗi ngờ vực mới xúc phạm và làm đau lòng Chúa nhất.

Nhưng anh chị em thấy đó, chính chúng ta đã đánh mất hoàn toàn lòng tự tin mà Người kỳ vọng ở chúng ta, đó là chúng ta đôi khi cầu nguyện với Thiên Chúa như cách mà Chúa than phiền ở các môn đệ: “Lạy Chúa, xin cứu con, chúng con chết mất!”

Đó không phải là những điều mà chúng ta nên cầu nguyện, nhưng là, “Với Người, Giê-su, con sẽ không lâm nguy; Người luôn trên thuyền cùng con; con còn sợ chi? Người có lẽ đã thiếp đi; nhưng con sẽ không đánh thức Người. Bản tính tự nhiên khốn khổ đang khiến con run rẩy, ôi vâng! Nhưng với tất cả ý chí con sẽ giữ mình an bình ở giữa cơn bão, tự tin nơi Người.”

Trong giờ phút đau khổ, hãy nghĩ về Đấng Toàn Năng đã làm dịu đi cơn bão dữ chỉ bằng một từ duy nhất. Đây là nguồn an ủi vô cùng giúp chúng ta kiên tâm chờ đợi – một cách an bình – chờ cho Người trỗi dậy.

Cơn bão dữ tợn nhất khuấy động tâm hồn chính là tội lỗi. Và đó là Chúa Giê-su, Người sẽ trỗi dậy để “một sự bình an vô cùng hạ xuống.”

Hãy lắng nghe chị thánh Tê-rê-sa kể câu chuyện trong trí tưởng tượng, về chú chim nhỏ yếu đuối không có đôi cánh đủ mạnh mẽ tung bay lên trời cao, nhưng chí ít cũng có đôi mắt và trái tim để hướng nhìn lên Mặt Trời Yêu Thương: “Với một sự từ bỏ quyết liệt, con chim nhỏ hướng nhìn lên Mặt Trời. Không gì làm nó nao núng, ngay cả mưa sa bão táp, và nếu những áng mây xám xịt kéo đến che mất đi những Ngôi Sao Yêu Thương, chú chim nhỏ không bỏ đi, vì nó biết ở phía sau những áng mây đen là Mặt Trời rạng rỡ.”

“Em không phải lúc nào cũng trung tín, nhưng em không bao giờ chán nản. Em từ bỏ mình vào vòng tay Chúa, và ở đó em tìm thấy tất cả những gì em đánh mất, và còn nhiều hơn thế nữa.”

“Bởi vì Thiên Chúa đã ban ơn cho em hiểu tình yêu Trái Tim Chúa Giê-su, em thừa nhận rằng Người đã đánh đuổi mọi nỗi lo sợ khỏi trái tim em. Những ký ức về tội lỗi làm em xấu hổ, khiến em chẳng dám cậy dựa vào chính sức mạnh của mình, mà nó thì cũng không có gì ngoài những yếu đuối; nhưng nhờ vậy những ký ức này lại cho em thấy lòng thương xót và tình yêu của Người. Khi ném tội lỗi vào lò lửa tình yêu với lòng tự tin không lay chuyển, làm thế nào chúng ta lại không bị thiêu cháy mất.”

Ở đây chúng ta tiếp cận tới điểm quan trọng trong “con đường bé mọn”. Đó là linh hồn tự hủy để làm hài lòng Chúa Giê-su trong mọi sự, tín thác tất thảy nơi Người bằng ý chí tự do của chính nó – và những linh hồn này nhiều hơn bạn có thể tưởng – linh hồn đã hiến dâng mình như nạn nhân của lòng thương xót Chúa (Tôi sẽ trở lại với chủ đề này sau), một hành động mà những linh hồn yếu đuối được kêu gọi để làm bởi vì họ thì “thích hợp để mở lòng ra cho sự tự hủy và biến đổi vì tình yêu,” những linh hồn như thế, khao khát được thanh tẩy, và phải nhớ rằng nó vẫn tiếp tục được thanh tẩy trong lửa tình yêu.

“A! bởi vì ngày hạnh phúc này (ngày em dâng hiến) dường như với em, mỗi khoảnh khắc của tình yêu xót thương đều biến đổi em, thanh tẩy tâm hồn em, và không còn tội lỗi nào trên em nữa,” chị thánh Tê-rê-sa đã reo lên như thế.

Chị thánh xem sự trong sạch của mình không phải có được bằng những nỗ lực của bản thân – không ai có thể chắc chắn về ơn lành – nhưng bởi vì chị thánh được thanh tẩy, biến đổi và làm mới trong ngọn lửa của lòng thương xót mà chị ấy đã hiến mình cho nó.

Hai tháng trước khi chết, khi ai đó nói với chị, “Chị là một vị thánh”, chị trả lời, cánh tay chỉ lên ngọn cao những cành cây trong vườn, xuyên qua những tia nắng vàng, “Linh hồn em xuất hiện trước chị với những tia sáng chói chang và vàng đượm bởi vì nó được thanh tẩy qua những tia nắng của tình yêu. Nếu Mặt Trời ngừng chiếu những tia nắng của Người lên em, em sẽ ngay lập tức trở nên xám xịt và tối tăm.”

Do đó, những linh hồn đau khổ khi nhìn thấy bản thân nhơ nhuốc bởi tội lỗi và những vấp ngã, và muốn xuất hiện trước tia nắng của Mặt Trời thánh linh để biến đổi, hãy thưa với Chúa Giê-su rằng, “Lạy Chúa Giê-su, con đến trước mặt Người với vẻ đẹp hoàn thiện, vẻ đẹp giống như Mặt Trời là Chúa, trong sạch như chính sự trong sạch của Người, xinh đẹp như chính vẻ đẹp của Người, giàu có như chính kho tàng của Người.” Đó bởi vì copiosa redemption: “nguồn cứu độ dạt dào.”

Hãy xem xét đến đời sống tình yêu được thiết lập giữa Chúa Giê-su và chúng ta trong sự hiệp nhất. Tôi muốn kêu cầu Người liên tục, và Người luôn ở đây, sự cần kíp có Người trong tôi luôn được thỏa nguyện. Chúa Giê-su thanh tẩy chúng ta trong mỗi khoảnh khắc, nhưng chúng ta phải khao khát nó với một sự khao khát mãnh liệt và tin vào điều đó.

Trên những đường phố ở Palestine, những người bệnh kêu cầu Chúa chữa cho họ, Người chỉ hỏi có duy nhất một câu: “Ngươi có tin là ngươi sẽ được lành?” “Vâng, lạy Chúa.” “Ngươi tin sao thì sẽ được vậy.” Người cũng nói với ta lúc này, “Con có tin rằng Ta có thể thanh tẩy con ngay lúc này và quét sạch mọi dấu vết của tội lỗi trên con?” “Vâng, lạy Chúa, con tin.” “Nó sẽ như vậy.” Thiên Chúa đáp lời, “bởi vì con đã tin, bởi vì con đã chẳng nghi ngờ, bởi vì con biết cách bám vào lòng thương xót bao la của ta, bởi vì con nhớ ta đã đối xử thế nào với người con hoang đàng, với tên trộm lành, và với người phụ nữ Ca-na-an, khi họ làm ta mủi lòng bởi đức khiêm nhường và lòng tự tin.”

Thánh nữ Magaret Mary nghe Chúa nói với chị, “Con có tin ta có thể làm được điều đó? Nếu con tin, con sẽ thấy sức mạnh Trái Tim Ta trong tình yêu bao la của Ta .”

XI.

Đau khổ nên đạo đức là một căn bệnh nhiều hơn là một triệu chứng. Tôi ao ước được sạch trong còn mãnh liệt hơn người mù được thấy hay kẻ bại liệt được đi. Chúng ta phải có niềm khao khát thành khẩn đó – nhưng anh chị em đã có nó; nếu không ta sẽ không làm cuộc tĩnh tâm này.

Những gì chúng ta học ở đây là những điều căn bản nhất trong đời sống nội tâm, căn bản trong Ơn Cứu Độ, căn bản trong Tin Mừng. Đó là hãy sống đức tin, đức cậy, đức mến. Hãy sống bằng các nhân đức, được gọi tên như vậy vì chúng dẫn lối ta đến với Thiên Chúa và kết hiệp với Người. Hãy sống tự tin trong khiêm hạ và “những gì cần thiết sẽ được thêm vào sau.”

Ba đức tính thần học kết hiệp linh hồn nên thân mật với Chúa Giê-su, sẽ mang trái tim ta đến gần Trái Tim Người, ghép nhánh cây trở lại với thân cây chính là Thiên Chúa.

“Nếu có ai khát” – và đặc biệc là người đó khát cho sự trong sạch và tình yêu – “hãy để người đó đến với ta; hãy để người đó được uống bởi đã tin ta.”

Chúng ta biết nếu linh hồn khát điều này họ sẽ ngay lập tức hăng hái trở lại với bí tích Giải Tội, là suối nguồn tuyệt vời của ơn khiêm nhường, và mong ước hiểu được ý nghĩa lỗi phạm nhiều hơn, và chuộc lỗi trong niềm hân hoan kỳ diệu khi thừa nhận tội lỗi; mặc cho cảm giác tội lỗi tự nhiên bao lấy, đây là dịp để biến đổi từ sâu trong trái tim với ý chí sửa đổi dứt khoát và đặc biệt là dịp để ném bản thân một lần nữa, như người con trai hoang đàng, vào lò lửa của lòng thương xót. Ngay cả khi họ nghĩ Mình Thánh họ nhận, hoa trái các bí tích, hành động tự tin vì đức mến đã thanh tẩy họ rồi, họ vẫn trung tín khi lãnh nhận, cùng với ơn giải tội, một sự thanh tẩy đặc biệt nhất bởi vì nó là một bí tích, dòng chảy mới của Máu Thánh Chúa sẽ đổ tràn trên họ, niềm hy vọng duy nhất của họ, mà không quên rằng sự kêu cầu này chỉ cần thiết cho những tội trọng.

Tôi tưởng tượng các bạn cũng giống tôi. Tôi muốn được hạnh phúc, tôi muốn sống trong tình yêu, tôi muốn được vui vẻ, tôi cần hát ca, và trên tất thảy, niềm mong mỏi của tôi là, tôi cần biết rằng mình được tha thứ.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu rằng hầu hết những vấn đề bất ổn phổ biến trong tâm lý và thần kinh ngày nay đều do chịu đựng mặc cảm tội lỗi. Phương pháp của người vô thần nêu ra đó là bãi bỏ định nghĩa về tội lội, xóa bỏ con người khỏi cảm giác rằng mình có tội. Đây chắc chắn là một phương pháp cải tiến. Nhưng nó sẽ không thành công. Ý thức hệ vẫn vậy. Họ có thể thành công khi xóa bỏ đi một phần hoặc tạm thời, nhưng họ không thể xóa bỏ nó vĩnh viễn như việc họ có thể xóa bỏ Thiên Chúa.

Không, phương pháp chữa trị chính là bình an Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta, trong sự chắn chắn rằng chúng ta được tha thứ bởi vì chúng ta được yêu thương.

Thánh Gio-an xác tín, “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.”

Tình yêu anh chị em dành cho Thiên Chúa là tình yêu dành cho bằng hữu, một tình yêu cho và nhận. Bởi vì đó là tình bạn, sự bình đẳng là yếu tố cần thiết giữa hai bên, Thiên Chúa đã biến mình thành con người, hạ mình ngang hàng với chúng ta, đã biến mình như chính chúng ta; và để đáp lại, Người cũng nâng chúng ta lên ngang hàng với Người bằng chính những ân sủng thiêng liêng.

Do đó, chúng ta có thể đạt đến một đời sống tình bạn với Người theo cách thánh Tô-ma đã nói trong sự sáng suốt đáng ngưỡng mộ: “Trong tình yêu cũng tương tự như tình bạn, người này dùng tình yêu để nhận lấy vận may cũng như vận rủi cùng với người kia. Tương tự, người kia cũng sẵn lòng làm vậy.” Vậy, điều cấu thành nên tình bạn chính là lòng tự tin lẫn nhau để ý muốn cả hai nên một.

Chúa Giê-su cũng có một Trái Tim như chúng ta. Người nhận lấy nó để có thể yêu mến chúng ta cũng như để chúng ta yêu mến Người. Đó là lý do tại sao tội lỗi của sự bất tuân lại xúc phạm và tổn thương Thiên Chúa hơn hàng trăm lần các tội lỗi do sự yếu đuối.

XII. 

Tôi thường chú ý rằng để thưởng cho hành động của lòng tự tin, Chúa Giê-su cho chúng ta cơ hội để thăng tiến tự tin trong tâm hồn hơn nữa. 

Hãy nhớ lại cảnh các môn đệ đánh cá ở hồ trong đêm. Các môn đệ đang chao đảo trên thuyền khi những cơn sóng dữ đánh vào mạng thuyền, và gió gào thét. 

Vào giờ thứ tư, Chúa Giê-su đến với họ, đi trên mặt biển. Các ông tưởng rằng Chúa là bóng ma và kêu lên sợ hãi. Ngay lập tức Chúa Giê-su nói với họ, “Hãy vững lòng, chính Thầy đây, đừng sợ.”

Thánh Phê-rô liền thưa, “Lạy Chúa, nếu quả là Người thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Người.” Chúa Giê-su bảo ông: “Cứ đến”. Ông Phê-rô từ trên thuyền bước xuống mặt nước và đến với Chúa Giê-su, nhưng vì thấy gió thổi ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, lúc này ông kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con với.” Chúa Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Kẻ kém lòng tin, sao ngươi lại nghi ngờ?”

Thánh Phê-rô đã làm một hành động tuyệt vời của lòng tự tin khi nhảy xuống mặt nước. Để thưởng cho ông, Chúa Giê-su mang đến cơ hội để ông thể hiện lòng tự tin của mình hơn nữa, bằng cách cho phép ông chìm xuống nước. Thánh Phê-rô đã làm được hành động tự tin ban đầu, nhưng ôi thôi, không phải lần thứ hai!

Giotto di Bondone Raising of Lazarus, c.1304-c.1306
Chị Mát-ta và Ma-ri-a cho thấy mình tự tin vào Chúa Giê-su khi họ cầu khẩn bên giường cậu em trai đang hấp hối là La-za-rô, bằng lời cầu nguyện rất tinh tế, chứng minh rằng họ hiểu Trái Tim Chúa, lòng trắc ẩn của Người, và tình bạn giữa Người và anh La-za-rô: “thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” Chúa Giê-su đã cảm động như thế nào với lời cầu nguyện như vậy! Để thưởng cho chị Mát-ta và Ma-ri-a vì lòng tự tin nhẹ nhàng của họ, Người để anh La-za-rô phải chết, cho họ cơ hội để chứng tỏ lòng tự tin lớn hơn một ngàn lần bằng hành động tin vào quyền năng Thiên Chúa, Chúa Giê-su mang anh La-za-rô trở lại, nhưng trước khi Người làm như vậy, Người luôn luôn yêu cầu được thấy hành động của đức tin.

Chúa Giê-su nhắc nhở chị Mát-ta rằng Người là ai: “Ta là Đấng Cứu Chuộc và là Đấng ban sự sống. Ai tin ta sẽ không phải chết nhưng là được sống…chị có tin không?” Đây là một câu hỏi lớn, điều kiện cho phép mầu xảy ra. “Con có tin là ta làm được? Con có tin rằng ta sẽ làm việc đó, rằng ta sẽ mang sự sống trở lại cho người em trai của con?” Mát-ta đã tỏ rõ đức tin: “Vâng, lạy Chúa…Con tin Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.” Chị ấy đã nói với Chúa rằng: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”

Đây là những gì Chúa Giê-su sẽ làm với những người Chúa yêu mến. Người không ban cho họ ngay lập tức; Người muốn họ chịu thử thách lớn hơn. Còn chúng ta thì lại vội vã: “Tôi đã cầu nguyện, nhưng tôi chẳng được nghe thấy. Tất cả đều mất hết rồi, tất cả đều đã chấm dứt. Chúa không lắng nghe tôi. Người không yêu tôi.” Bởi vì Chúa yêu ta, Người muốn nhìn thấy ta sẽ đẩy lòng tự tin của mình được bao xa. Người muốn nói, như Người đã nói với người phụ nữ Ca-na-an, “Đức tin của ngươi thật vững mạnh.”

Đừng giống như thánh Phê-rô đã chìm trong sóng biển, nhưng là giống Mát-ta và Ma-ri-a trước ngôi mộ của La-za-rô, với lòng tự tin hơn cả cái chết. Hãy vững tin, hãy tin vào phép quyền năng tối cao của Thiên Chúa! Tin vào tình yêu!

“Lạy Chúa, xin giúp con vững tin.”

XIII. 

Bằng chứng lớn nhất và hoàn hảo nhất trong tình yêu là từ bỏ chính mình hoàn toàn, hiến dâng mình cho Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến, bằng tất cả lòng tự tin. Kề cận Chúa Giê-su như là một người bạn trong những người bạn của Người, một người đáng mến và được yêu mến. Trao cho Chúa Giê-su những yếu đuối và lỗi lầm của ta như việc làm hào phóng. Hành động của hào phóng là dành cho vị Thẩm Phán Tối Cao nhân lành; còn những yếu đuối và lỗi lầm là dành cho Đấng Cứu Chuộc. Và tất cả mọi thứ là dành cho Người Bạn.

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa…nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu.”

Tự tin, tự tin không giới hạn, tròn đầy, trọn đạo, hoàn toàn và bao gồm tất thảy: đó là những gì tôi muốn anh chị em có được sau cuộc tĩnh tâm này. Tự tin tạo nên mầu nhiệm.

Những linh hồn được sống lại bằng việc đón nhận bí mật này của Thiên Đàng. Khi họ hiểu điều này, họ được tiếp thêm đôi cánh bay cao, sự hào phóng trở thành một điều thiết yếu, và điều này chỉ xảy ra trong một tâm hồn đơn sơ nhờ loại bỏ mối nguy của tính tự phụ và kiêu căng.

Tất nhiên, điều cần thiết là chấp nhận bản thân đầy những hố sâu của tội lỗi, khốn khổ, bởi Tội Nguyên Tổ. Nhưng tuy vậy, Chúa Giê-su muốn chúng ta hạnh phúc. Người sẽ “lấp đầy niềm vui.” Sự bình an – Bình an của Người – là niềm hạnh phúc sẽ thắng trên tất cả những đau khổ khi chúng ta nhìn nhận bản thân đầy tội lỗi.

Chúa Giê-su cho chúng ta sự bình an tương xứng với lòng tự tin chúng ta có, đến nỗi chúng ta sẽ không nghi ngờ rằng đó là Thiên Chúa đã cứu chúng ta, Thiên Chúa đã thanh tẩy chúng ta, Thiên Chúa đã biến chúng ta trở nên xinh đẹp, Người nói: “Ngày hôm nay con sẽ ở trên Thiên Đàng với ta.” "Hãy bắt đầu Thiên Đàng với ta ngay giờ phút này bởi vì con đã hiểu ta chính là Đấng Cứu Chuộc, và ta đến trái đất để trao cho con người bình an trong trái tim ta, Thiên Đàng trong Trái Tim Ta là ở ngay đây.”

“Bình an cho người thiện tâm”. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình ban của thầy cho anh em.”

Đó là niềm hạnh phúc của Chúa Giê-su khi nhìn thấy một linh hồn được hưởng trọn vẹn ơn Cứu Chuộc và cái giá Máu Thánh, trên hết, tại sao Người lại từ Trời xuống thế, tại sao Người lại cho thấy hành động “khờ dại” vì yêu này, tại sao lại Nhập Thể, tại sao phải chịu Khổ Nạn, và tại sao phải lập Thánh Thể? Đó là vì để cho chúng ta được hạnh phúc gấp ngàn lần ở dưới thế này, được chiếm lấy đời sống vĩnh cửu.

“Kìa, Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa.”

Có phải là bất khả thi để cảm thụ những tư tưởng tâm linh này chăng? Không có gì ngoài Kinh Thánh, và Kinh Thánh là dành cho mọi người. Hãy kết lại chương này bằng những lời cổ động của thánh Phao-lô trong sách Phi-líp-phê, chỗ mà chúng ta có thể tìm thấy niềm vui, lòng thương xót, sự tự tin, lời cầu nguyện tạ ơn, và bình an tuyệt vời khi học hiểu Kinh Thánh nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô:

Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa, rộng rãi, Chúa đã đến gần. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn , van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh  em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.

Dịch và biên tập: Mèo Quin

Trích sách: I believe in Love - Fr Jean D'elbee 

Comments

Popular Posts