Tôi tin vào Tình Yêu: Yêu vì Yêu (1)

Bài giảng 1

Yêu vì Yêu

Ngày 15 tháng 10 năm 1967, tại quảng trường Thánh Phê-rô, trong cuộc truyền giảng sứ vụ Tông Đồ, Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã tóm tắt những điều ước mong mà một linh hồn nên có: "Cần thiết khi nói rằng chỉ có sự hợp nhất trọn vẹn của mỗi cá nhân vào Đức Ki-tô, mới sinh ra hoa trái trong công việc tông đồ, dù cho đó là gì." 

I.

Trong cuộc tĩnh tâm này, tôi mong muốn truyền giảng tới anh chị em về một tình yêu tự tin theo mẫu gương thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, người được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII nhận định: “Chị Tê-rê-sa đã khám phá lại thông điệp của Tin Mừng, chân lý sâu sắc của Tin Mừng.”*Liệu chúng ta có thể thấy một giáo lý nào thuyết phục, mạnh mẽ và đầy sâu sắc hơn những lời dạy của chị thánh Tê-rê-sa Hài Đồng? Hơn nữa, còn đến từ môi miệng của Đức Giáo Hoàng: “Chị đã khám phá lại chân lý sâu sắc của Tin Mừng.”

Tôi đặt tên cho bài giảng đầu tiên này là “Yêu vì Yêu." 

Giotto di Bondone The Mourning of Christ, c.1305

Prior dilexit nos: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta.* Là lời giải thích toàn vẹn cho: Công Trình Sáng Tạo, Giáng Sinh, Cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh, và Thánh Thể. Nếu có thể diễn đạt, Công trình Sáng Tạo chính là tình yêu tuôn tràn từ Thiên Chúa. Người đã tạo ra chúng ta vì tình yêu của Người, và vì tình yêu với các tạo vật của Người, những tạo vật Người dựng nên để lấp đầy họ với tình yêu và lòng thương xót. Thánh Augustine nói: "Thiên Chúa tốt lành dựng nên chúng ta, do đó chúng ta tồn tại."*Người không dựng nên chúng ta vì cần thiết; Thiên Chúa không nhất thiết cần đến chúng ta. Người không dựng nên chúng ta vì công bình; Thiên Chúa không cần chứng minh điều gì cả. Nhưng bởi vì tình yêu từ Thiên Chúa, mà chúng ta nợ chính mình sự sống này. 

Trong Bữa Tiệc Ly, Thánh Gio-an Tông Đồ tựa mình vào ngực Chúa Giê-su *, lắng nghe Trái Tim Chúa, và cùng lúc đó, những bí mật trong Trái Tim Người được hé lộ cho tất cả chúng ta trong từ đầu tiên được thốt lên, “Deus Caritas est”: “Thiên Chúa là Tình Yêu.”*

Thiên Chúa tạo ra chúng ta trong trạng thái cân bằng nguyên thủy, trong sự hòa hợp và công lý: những bộ phận chức năng thấp hướng về những bộ phận chức năng cao, và những bộ phận chức năng cao hướng về Thiên Chúa. Nhưng tội lỗi đến phá hủy mọi thứ, làm hư hại bản chất tự nhiên của chúng ta, biến chúng ta thành nô lệ của dục vọng, đau khổ, bệnh tật, và cái chết.

Nhưng ngay cả như vậy, Thiên Chúa quả là Tình Yêu bởi vì trước khi giáng phạt, Ngài đã lập lời hứa cứu độ rằng, Người Đàn Bà và Con Trai Bà sẽ chiến thắng trên con rắn.* Nếu Adam hiểu được điều này vừa lúc rời bỏ Địa Đàng, ông có lẽ sẽ kinh ngạc khi chứng kiến ngày Thứ Bảy Tuần Thánh và thốt lên rằng: “Ôi! cần thiết làm sao tội lỗi Adam đã được quét sạch bởi cái chết của Đức Ki-tô. Ôi! lỗi lầm hạnh phúc được trả giá bằng Đấng Cứu Chuộc.”*Felix culpa, lỗi lầm hạnh phúc có nghĩa là chúng ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhưng đúng vậy, tuyệt vời vì Đấng Ki-tô đã đến!

Và bởi vì Thiên Chúa giàu lòng nhân từ, Ngài đã ban cho thế gian Con Trai yêu dấu của Ngài: “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian.”*

Tội lỗi đầu tiên của con người là khước từ tình yêu, và chỉ được chuộc lại bằng một tình yêu đáp đền. Ngôi Lời đã xuống thế để tình yêu có thể chiến thắng nhờ Người và qua Người.

Chúa Giê-su đã tạo ra quyền lợi đôi bên được trả bằng chính Máu Thánh Người trên Thập Giá: với Người đó là được yêu chúng ta, ngay cả khi chúng ta mang trong mình những tội lỗi và sự bất xứng; và với chúng ta là được yêu mến Người từ trong đau khổ và suy niệm về những gì Người đã làm cho ta, bao gồm sự công bằng và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô khi nói về Cuộc Khổ Nạn, ngài dùng một cụm từ để nói: “Thập Giá là một sự điên rồ.”*

Ngôi Lời xuống thế làm người và mang đến những mầu nhiệm có thể được tóm gọn trong một từ: Bê-lem, Na-za-rét, vườn Giét-ma-ni, Núi Can-vê, Thánh Thể - vực thẳm khôn bờ của một tình yêu nhân lành. 

Sự Nhập Thể: ở Bê-lem, Thiên Chúa của cả Thiên Đàng và thế gian, một Hài Nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ nơi hang đá; Na-za-rét: cuộc đời ba mươi năm của Thiên Chúa  – một cuộc đời của vâng phục, khó nghèo, lặng lẽ, và hoàn toàn khiêm nhường. Ở vườn Giét-ma-ni khi Người đến trước mặt Chúa Cha, bao phủ bởi tội lỗi con người – Thiên Chúa “đã mặc lấy tội lỗi đó vào thân xác Người.”*Người giành lấy cơ hội cho chúng ta một ngày có thể xuất hiện trước mặt Chúa Cha. Cơ hội đó được trả bằng những giọt mồ hôi máu, túa ra dưới gánh nặng về cuộc khổ nạn, và bị vắt kiệt trên Thập Giá. Nhờ đó, Chúa Cha sẽ không còn nhìn nhận chúng ta như những kẻ tội lỗi, mà là những đứa con của Ngài, được hồi sinh và đổi mới trong phép rửa bằng chính máu Con Người; Chúa Cha đã cho chúng ta Người Con Yêu Dấu của Ngài.

Hãy xem sự trao đổi kỳ diệu này: Chúa Giê-su mang lấy tội lỗi của chúng ta, và chúng ta ngược lại được lấy công lao của Người cho chính mình. Và Chúa Cha nhận chúng ta như chính Người Con Yêu Dấu của Ngài qua lòng thương xót vô cùng, nhưng lại hoàn toàn công bằng.

Trong một lần giảng tĩnh tâm về điều này, có người đến nói với tôi rằng: “Nếu chỉ còn lại một điều đọng lại trong con sau cuộc tĩnh tâm này, thì đó sẽ là: tội lỗi con ở trên Người, còn Máu Người ở lại trên con.”

Trong giờ phút hấp hối, thời khắc của sự thật, thời khắc chúng ta đối diện trước mặt Chúa, chúng ta ắt hẳn sẽ nhớ lại những kinh nghiệm quá khứ trong đời, với nhiều đau khổ và yếu đuối, nhiều sự thất bại và sa ngã, tôi hy vọng rằng với một trái tim ăn năn nhưng cũng thật tự tin chúng ta có thể thưa với Chúa Giê-su rằng, “Con xin trao cho Người mọi sự. Không phải Người đã xuống thế gian để tìm kiếm tội lỗi của con và mang lấy chúng ư? Nhưng đổi lại, xin cho con cái giá Máu Thánh Người đã chuộc, kho báu của Đấng Cứu Độ, tất cả ân đức của Người, chúng đều là của con.”

Trong tinh thần của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, chị nói, “Vào buổi chiều tà của cuộc đời em sẽ xuất hiện trước mặt Người với đôi bàn tay trắng.”* “Đã đến lúc – em thấy mình chết với đôi bàn tay trắng – điều này khiến em vui sướng, vì chẳng sở hữu sự gì. Em sẽ nhận lại mọi sự từ Thiên Chúa.”*Quả là một tình yêu sâu sắc, hợp lẽ và tinh tuyền theo lời của chị thánh!

Mọi của cải tinh thần, mọi mầu nhiệm tốt đẹp, mọi sự thánh thiện trong đời sống chúng ta: tất cả đều là Chúa Giê-su và không có gì ngoài Giê-su. Người là của chúng ta, công lao của Người cũng là của chúng ta, cái giá được trả bằng Máu Thánh Người cũng là của chúng ta, Người thuộc về chúng ta hoàn toàn.

“Người trao Bản Thân”*cho chúng ta mà không để lại gì, nhờ đó chúng ta có thể dùng Người, nhờ đó chúng ta có thể – tôi thậm chí dám nói rằng – lợi dụng Người. Người muốn thay thế Chính Mình trong cuộc đời ta để làm mọi thứ vì lợi ích tốt đẹp như là một quà tặng cho chính chúng ta, vì điều gì thì để tôi nói lại chăng.

Chúng ta hiểu được những điều này là bởi nguồn cảm hứng mãnh liệt mà Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã tìm kiếm hòng mang trở lại trái tim chúng ta sự sùng kính Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su, kết hiệp cùng với lòng sùng kính Thánh Danh Chúa và Thánh Tâm của Người.

Sau sự kiện vườn Cây Dầu là trận đòn roi, là mão gai đâm thâu, là Thập Giá. Chúa Giê-su nhìn những kẻ đã đóng đinh tay và chân Người bằng tình yêu nhân lành, bởi những vết thương này là cổng vào Thiên Đàng – thậm chí là cổng vào Thiên Đàng cho những kẻ đã gây nên chúng. Và Người thưa: “Lạy Cha, xin tha lỗi cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Như thể như vậy là chưa đủ, Người sáng lập Bí Tích Thánh Thể: một Thiên Chúa biến mình thành Bánh, trú ngụ nơi bé nhỏ, hạ mình xuống môi miệng và trái tim chúng ta, tạo ra cây cầu nối lại khoảng cách giữa Người với chúng ta.

Tình yêu là muôn trùng; tình yêu là tuyệt đối. Vì vậy Người lập ra Bí Tích Thánh Thể để tạo ra tương quan giữa Người với chúng ta, hơn là sự kết hiệp, hơn là sự trộn lẫn: mà là một trong tình yêu. Người muốn chúng ta nên một với Người: ut unum sint. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi Người biến đổi con người chúng ta trở thành chính Người. 

Vâng, đúng vậy, Thiên Chúa yêu chúng vô cùng vô tận. Người yêu chúng ta mà không từ ngữ thế gian nào có thể diễn tả được. Người yêu đến tuyệt vọng. Thánh Gio-an cũng chỉ có thể tìm ra những từ ngữ này khi nói: “Thiên Chúa yêu chúng ta đến vô cùng.”

Những gì tôi vừa nói với anh chị em, anh chị em đã biết hết. Vì nó ở trong Tin Mừng, không gì hơn. Chúng ta đã học biết Tin Mừng từ tấm bé. Chúng ta đã lớn lên trong sự cảm nghiệm sâu sắc về những mầu nhiệm này. Nhưng chúng ta đã không đọc Kinh Thánh đủ trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

Do đó mà, mười sáu thể kỷ sau buổi Tiệc Ly và Thập Giá, dị giáo với tinh thần sai lệch nhất trong những dị giáo, phái Jansen mới có thể xuất hiện và lan rộng – một kiểu dị giáo đã biến Thiên Chúa với cánh tay dang rộng và nói rằng, “Hãy đến với Ta, tất cả các ngươi, hãy đến bởi ngươi bất toàn, đến bởi ngươi tội lỗi, đến bởi ngươi cần được cứu chuộc,” – một Thiên Chúa với cánh tay giơ cao trừng phạt, một Thiên Chúa yêu sách, một Thiên Chúa thù hằn. Dưới cái cớ nhìn nhận sự bất toàn của bản thân, phái Jansen đã vô tâm dẫn dắt nhiều linh hồn xa rời Thiên Chúa.

Do không còn chịu được những tư tưởng sai lệch này, Chúa Giê-su hiện ra với thánh Margaret Mary tại Paray-le-Monial, và nhờ chị thánh để Trái Tim Người cho thế giới được thấy: “Đây là Trái Tim yêu con người đến nỗi chẳng giữ lại gì, đến nỗi trống rỗng và hao mòn, để chứng minh cho họ thấy bằng chứng của tình yêu.” Trước khi hiện ra ở Paray-le-Monial, Chúa Giê-su có lẽ đã nghĩ, “Ta đã cho họ tất cả mọi thứ. Ta cho họ mồ hôi máu và sự đau đớn của ta trên khắp các đường xá ở Palestine; Ta cho họ Máu của Ta trên Thập Giá, Ta cho họ người Mẹ thân yêu của Ta; Ta cho họ Chính Mình Ta nơi Thánh Thể. Ta còn phải cho họ những gì để họ tin vào tình yêu của Ta? Ta biết: Ta nên cho họ Trái Tim này; ta nên cho họ khởi nguồn nơi tình yêu rồ dại này bắt đầu. Nhưng nếu họ không yêu ta ngay cả khi ta tặng ban Trái Tim này, vậy khi nào họ mới yêu ta?”

Hãy suy ngẫm về tình yêu của Chúa Giê-su trong Tin Mừng, tình yêu Người thể hiện trong đời sống của Chính Mình, như cách chúng ta vừa mới làm đây. Sau đó hãy suy ngẫm về tình yêu của Chúa Giê-su trong đời sống anh chị em. 

II.

Chúng ta đã bàn về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại; bây giờ hãy bàn về tình yêu Người dành cho mỗi cá nhân, cho chính anh chị em. Đây là suy niệm mà ta sẽ không tìm thấy trong bất kỳ cuốn sách nào. Đây là suy niệm mà ta sẽ phải khám phá trong chính đời sống mình.

Tại sao con ở đây? Tại sao con được sinh ra là người Công Giáo? Tại sao con được rửa tội? Tại sao con được học biết về Chúa Giê-su, được yêu mến Người từ thuở bé thơ? Đó là do Thiên Chúa đã chọn và dựng nên con từ chỗ hư không, đổ tràn ân sủng của Người trên con. Hãy nhớ lại lần đầu tiên con cầu nguyện, lần đầu tiên Thêm Sức, lần đầu tiên nhận Bí Tích Thánh Thể, đó là lần đầu tiên mà tâm hồn con được kết hiệp với Thiên Chúa; sự bất trung của con, dù nhỏ hay lớn, Chúa Giê-su đã kéo con ra khỏi đó, trở thành vị Mục Tử Nhân Lành hết lần này đến lần khác, chạy theo đàn chiên nhỏ của Người, mang vác chúng trên vai; con đã thường xuyên được nhận ơn hòa giải qua bí tích Giải Tội, đó là khoảnh khắc Chúa đổ Máu Thánh của Người để thanh tẩy con ngay lập tức. Tại sao một lần nữa con lại được chọn để trở thành người Ki-tô hữu? Đó là do con được yêu mến một cách đặc biệt. Không còn sự giải thích nào khác. Và nếu con là người được ơn cải đạo, con nhất định phải cùng kết hiệp tạ ơn với hai thánh Phao-lô và thánh Augustine. Con thấy rằng Người đã tự tin vào con như thế nào, để cho đi Chính Mình theo cách này. Có thể nói rằng con chính là sự cần kíp cho Trái Tim Người.

Có lẽ con là người luôn trung tín; hoặc có lẽ con là người luôn chống cự lại tiếng gọi của Thiên Chúa từ rất lâu; hoặc có lẽ con là người đã sa ngã ở nơi đáy sâu. Vậy ai là người mà Giê-su yêu mến nhất? Không ai biết được điều đó. Ở núi Sọ là thánh tông đồ Gio-an người Chúa yêu mến, người có trái tim trung thành tuyệt đối và thuần khiết; và ở đó cũng có Ma-ri-a Ma-da-lê-na, một người tội lỗi vô cùng, kẻ tai tiếng đã ăn năn. Cả hai đều ở đó, ngước nhìn lên Thập Giá như nhau. Vào buổi sáng ngày Phục Sinh, người Chúa hiện xuống đầu tiên đó là Ma-ri-a Ma-da-lê-na, thậm chí trước khi hiện ra với các tông đồ, và Người đã loan báo cho cô ấy tin mừng đầu tiên. Người đã làm cô ấy nên môn đệ trong các Môn Đệ. Thật thiên vị biết bao!

Tôi sẽ trở lại với vấn đề này sau, nhưng tôi có một đề nghị cần phải nói ngay lập tức, đó là kể từ giờ, ta sẽ không bao giờ để tội lỗi quá khứ trở thành một vật cản giữa ta và Giê-su nữa. Đó là một mưu chước của quỷ dữ khi cố đặt tội lỗi của chúng ta ngay trước mắt mình để hòng biến chúng làm vách ngăn giữa ta và Đấng Cứu Chuộc. Nghĩ về tội lỗi quá khứ để thấy tủi nhục, hoặc để chứng minh một lần nữa về sự yếu đuối, bất xứng của ta; nghĩ về chúng để tìm thấy niềm vui khi đền tội, để tìm thấy sự chắc chắn quả quyết rằng mình sẽ không sa ngã lần nữa – và điều này thì hiển nhiên là cần thiết – nhưng đặc biệt là để cảm tạ Chúa Giê-su vì đã tha lỗi cho ta, đã thanh tẩy ta, đã mang bỏ tất cả tội lỗi của ta xuống đáy sâu của biển cả: Projiciet in profundum maris omnia peccata nostra – “Ngài ném tất thảy hết tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển.”

Đừng tìm kiếm chúng ở đáy biển nữa! Người đã quét sạch chúng đi; Người đã bỏ quên chúng. Máu Người đã đổ ra; và ngọn lửa của Lòng Thương Xót đã làm phần việc của nó: đó là đốt cháy tất cả tội lỗi của ta và nhờ đó chúng ta được trở nên trắng trong tinh tuyền. Những lỗi lầm của chúng ta phải là nơi khởi sinh của sự khiêm nhường và đền tội, nhưng đặc biệt hơn là khởi sinh của lòng biết ơn khi chúng ta lãnh nhận ơn tha tội, khởi sinh của một đức tin không giới hạn trong lòng thương xót không giới hạn; hơn nữa, đức tin (điều mà có thể làm cho lớn hơn bằng cách lấp đầy bằng tình yêu) là cách giảm bớt hình phạt cho tội lỗi mà chúng ta đáng phải nhận lãnh. 

III.

Nếu ta nhận được tình yêu, ta cũng phải đáp đền bằng tình yêu, yêu vì yêu. “Ta đã yêu con, con cũng phải yêu. Ta đã trao Trái Tim Mình mà không giữ lại gì, để con cũng trao trái tim mình mà không giữ lại gì. Ta đã không đặt ra giới hạn khi yêu; con cũng không đặt ra giới hạn cho tình yêu của chính mình.”

Điều răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết sức, hết trí khôn.” Điều răng này bao hàm mọi điều răn khác, nhưng nó cũng dành cho tất cả mọi người. Khi Chúa Giê-su đặt Hội Thánh của Người vào tay thánh Phê-rô, Người hỏi ông cùng một câu hỏi ba lần: “Phê-rô, con có yêu mến Thầy không?” Người có thể đã hỏi: “Phê-rô, con có phải là người có phẩm chất, có khả năng lãnh đạo anh em? Con có phải là người khôn ngoan, có khả năng giáo huấn và giải thích mọi điều cho họ, trở thành hình mẫu của nhân đức, như là một tấm gương?” Người không hỏi bất kỳ điều gì trong số đó, nhưng chỉ hỏi: “Phê-rô, con có yêu mến Thầy không?” Đó là tất cả. Nếu Phê-rô yêu mến Chúa Giê-su, Thánh Thần sẽ ở lại trong ông, và ông sẽ không còn thiếu điều gì để mà chăn dắt đàn chiên của Người. 

“Vậy, yêu thương là làm trọn các lề luật,” – thánh Phao-lô đã nói như vậy, còn thánh Augustine thì nói, “Yêu thương, rồi làm những điều anh mong muốn.”

Hãy nghe lời xác tín của thánh Gio-an Thánh Giá, “một việc làm nhỏ nhất khởi nguồn từ tình yêu trong sáng đáng giá hơn tất thảy những việc làm khác cộng lại cho Hội Thánh.” Và Tê-rê-sa bé nhỏ, vào giờ phút hấp hối cuối cùng đã nói với chị ngài Celine, “Em đã nói tất cả mọi điều. Tất cả đã được hoàn tất. Đó là chỉ có tình yêu mới được tính.” Sau khi chị chết, những cơn mưa ơn lành từ Trời khiến chúng ta phải thừa nhận: “Chị Thánh đã không sai, chỉ có duy nhất tình yêu mới được tính.”

Tôi đã hành hương qua Assisi, Paray-le-Monial, Ars và Lisieux, và qua nhiều thập kỷ, những thành phố này vẫn để lại mùi hương thánh thiện của các thánh đã từng sống nơi đây, tôi tự hỏi, “Làm thế nào mà thánh Phanxico Assisi, thánh Gioan Maria Vianney, thánh Margaret Mary, và thánh Tê-rê-sa Hài Đồng có thể hoàn thành sứ vụ thánh thiện của họ nơi Hội Thánh?” Và câu trả lời đến với tôi khi nhẩm qua cuộc đời họ, từng người một, như một điệp khúc vang vọng: Dilexit: “anh ấy yêu”; “cô ấy yêu”.

Với một đức hồng y, tất cả lời dạy đều gói gọn trong từ này: Dilexi te: “Ta đã yêu con.”; tất cả nhân đức đều gói gọn trong một từ khác: Diligam te: “Do đó mà con yêu Người!”

Một linh hồn thánh thiện nói với Đấng Cứu Chuộc rằng, “Tại sao Người đến thế gian để tìm kiếm tình yêu? Người có các thiên thần và các thánh trên Thiên Đàng yêu mến Người với một tình yêu không tì vết, trong khi ở dưới này, tất cả sự ngay thẳng của chúng con chỉ như một vết nhơ trong mắt Người.” Chúa Giê-su trả lời, “Ta đến thế gian để tìm kiếm tình yêu, để van xin được yêu, bởi vì Ta khao khát tình yêu được cho đi một cách vô vị lợi.”

Không phải những người có ân sủng thì không tự do – họ hoàn toàn tự do, họ xác lập ý muốn của mình với ý muốn tự do hoàn toàn của Thiên Chúa – vì quyền năng của tội lỗi không mang đến tự do thực sự, nhưng là thân phận của kẻ nô lệ. Tự do thật sự được tìm thấy trong phát biểu của thánh Tôma Aquinô: "Thiên Chúa tạo ra con người tự do như khi anh ta hành động dựa trên sự tự do lựa chọn điều tốt, hành vi đó xuất phát từ chính ý muốn của anh ta.”

Trên thế gian này, tình yêu chứng minh ý nghĩa của nó bằng việc tự do lựa chọn. Khi một người yêu thích điều gì, anh ta chọn điều đó. Chúa Giê-su cũng muốn được lựa chọn, được yêu thích. Đây là mầu nhiệm to lớn của đức tin. Người che giấu chính mình đến nỗi đặt bản thân ngang hàng với tạo vật. Bản tính tự nhiên của chúng ta thường xuyên bị thương tổn do Tội Nguyên Tổ, khiến chúng ta lạc lối trong nhục dục, bị lừa phỉnh bởi Ma Quỷ, bị cám dỗ quay lưng với Thiên Chúa. Vào những lúc đó chúng ta thưa với Người rằng, “Giê-su, Thiên Chúa mà con chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ nghe, Đấng dường như quá xa vời, Đấng quả thật là một “Thiên Chúa giấu mặt”, mặc dù những cám dỗ Người ngăn cấm quá đỗi mê hoặc và trái cấm thì lại quá gần, nhưng lạy Chúa Giê-su con chọn, Người là Đấng con tìm kiếm, Người là Đấng con yêu mến."

Bao nhiêu lần, bao nhiêu khoảnh khắc trong ngày, khi chúng ta bị bủa vây bởi những cơn cám dỗ, chúng ta có cơ hội trao cho Người tình yêu vô vị lợi mà Người đòi hỏi và nhờ đó món quà tự do càng lớn mạnh hơn. Bởi vì trên Thiên Đàng những việc làm phúc đức của chúng ta được thực thi dưới ý chí vĩnh cữu của Thiên Chúa, do đó hãy sử dụng thời gian của chúng ta ở mảnh đất tha hương này để lựa chọn Người, tìm kiếm Người. 

Nếu chúng ta có thể nói điều này trong cơn cám dỗ, đó sẽ là sức mạnh giúp chúng ta chống trọi: “Lạy Chúa Giê-su, con chọn Người, bởi vì con yêu mến Người.” Chính điều này cho thấy tôn giáo không phải là một hiện tượng; mà là Một Ai Đó. Đó là Ngôi Ba Thiên Chúa trong lòng chúng ta; đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta; đó là Chúa Giê-su, đã được chọn và được yêu mến.

Filioli, những người con bé nhỏ, hãy trú ngụ trong tình thương của Ta.” Để đổi lại việc trao đi trái tim mình, Chúa Giê-su trao tặng cuộc sống. Tình yêu chính là cuộc sống; đó là mặt trời, là ánh sáng, là sự ấm áp tuyệt vời sưởi ấm cuộc đời. Không có tình yêu này, chúng ta sẽ chỉ sống một cuộc đời trôi nổi, một cuộc đời vô vị. Chúng ta thực hành đức tin bề ngoài, hoàn thành bổn phận mà đời sống đòi hỏi, nhưng nếu trái tim không ở đó, đời sống cũng không ở đó. Không có tình yêu, mọi thứ đều mệt mỏi, mọi thứ đều đau khổ, mọi thứ đều là gánh nặng. Thập Giá sẽ đè bẹp chúng ta vì sự ngần ngại của mình; nhưng được vác với nụ cười, với ý chí tự do, và với tình yêu, nó sẽ mang lấy chúng ta hơn là chúng ta mang lấy nó. Tình yêu khiến thời gian vô cùng bằng cách đặt những giá trị thánh thiêng vào mọi việc. 

Có một câu nói tôi không yêu thích mấy: “Chúng ta phải hoàn thành bổn phận với lòng sùng kính,” một chút cảm giác giống như phải có bổn phận viết thư trả lời khi nhận được thư, phải trả lễ khi được viếng thăm, hay như bổn phận của tôi tớ đối với người chủ, dù vậy điều Chúa Giê-su muốn là tình bạn. Người sẽ ban phần thưởng cho những bổn phận mà ta đã hoàn thành, nhưng quả là một sự khác biệt tách bạch giữa hai cách làm này: một vì bổn phận và một vì tình yêu. Louis Veuillot đã viết: "bổn phận khô khan là một ông chủ lạnh lùng và khó tính, chẳng bao giờ an ủi bất kỳ ai và là một người tẻ nhạt. Nói với con, Thiên Chúa đầy lòng yêu thương, rằng bổn phận Người trao cho con, con sẽ làm nó với lòng tràn ngập hân hoan và giữ niềm hân hoan yêu mến đó khi phải hy sinh.” Theo cách này, những bổn phận trong đời ta bỗng mầu nhiệm siêu nhiên do tình yêu.

IV.

Chúa Giê-su nói: “Thầy đến để mang lửa xuống thế gian.” Một khi đã nhận được lửa, chúng ta phải truyền lửa. Để truyền yêu thương, chúng ta phải bắt đầu bằng việc nhận biết nó; chúng ta phải bắt đầu bằng việc tin vào nó; chúng ta phải bắt đầu bằng việc để nó lấp đầy chúng ta; chúng ta phải bắt đầu bằng việc sống yêu thương. Lạy Chúa Giê-su, xin Người đổ đầy ngọn lửa tình yêu của Người trong “đoàn chiên nhỏ bé, những kẻ làm vui lòng Chúa Cha và sẵn lòng trao Nước Trời cho họ.” Hãy cho đoàn chiên của Người ngọn lửa đủ lớn để lan tỏa đến mọi thứ xung quanh họ. 

Trong thời đại này, lòng ghen ghét đã lan tràn ra thế gian với tốc độ chóng mặt, chúng ta phải chống lại sự tấn công của nó, chống lại làn sóng dữ bằng tường thành của lòng mến. Đối mặt với chủ nghĩa cộng sản, với Pagan giáo hiện đại (ngoại giáo), và sự lan rộng của chủ nghĩa vật chất, của những chính quyền không Thiên Chúa, ngay cả khi tất cả những điều này đều không phải là kẻ đối nghịch mà Thiên Chúa đã điểm mặt chỉ tên, những tổ chức mà Người thậm chí không đề cập đến, những làm thế nào mà chúng ta, “những con chiên bé nhỏ” có thể đối mặt với chúng trong sự yếu đuối của mình? Chúng ta có sức mạnh tình yêu khi từ bỏ chính mình, sức mạnh tuyệt đối từ Chúa Giê-su, Người đã nói: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.”

Nhưng chiến thắng phụ thuộc vào đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, vào niềm hy vọng và lòng vị tha của ta. 

Ôi, thật diễm phúc làm sao, thật khích lệ làm sao, những kẻ yếu đuối như chúng ta, và khi chúng ta càng thấy mình yếu đuối, khi ta kết hiệp với Người, đó là lúc sức mạnh của Chúa Giê-su trở thành sức mạnh của ta. Như thánh Phao-lô đã reo lên: “Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.”

V.

Tôi muốn anh chị em hãy đặt sự cảnh giác trước hiểm họa của một tình yêu cảm xúc.

Tôi đã nghe quá nhiều lời phản biện rằng, “Con nói với Chúa Giê-su rằng con yêu mến Người, nhưng con không cảm niệm như vậy. Đối với con điều đó dường như không chân thành.” Đừng nghi ngờ rằng anh chị em yêu mến Người, khi chúng ta càng nguội lạnh và khô khan càng đòi hỏi một niềm tin sắt son, sự quên mình, và hiểu biết đúng về thánh thiện. 

Những vị thánh đều phải trải qua đêm đen của tâm hồn, những giai đoạn đau đớn vì khô khan. Tuy vậy đó là giờ phút thanh tẩy tình yêu của họ. 

Đức mến không phải là sự tôn sùng theo cảm xúc. Đừng bao giờ quên sự khác biệt này. Để nên thánh có nghĩa là sắp xếp tâm hồn, trái tim, và trên tất cả, là hướng ý chí lên Chúa; cảm xúc có thể đóng một vai trò, nhưng nó không thật sự cần thiết.

Tê-rê-sa bé nhỏ viết rằng sự khô khan là bánh ăn hằng ngày của chị, tuy vậy chị lại là tạo vật hạnh phúc nhất trong tất cả tạo vật. Chị định nghĩa sự thánh thiện như là cách “rèn luyện trái tim để trở nên khiêm nhường và nhỏ bé trong tay Chúa, nhận thức được sự yếu đuối, và tự tin đến liều lĩnh trong sự tốt lành của Thiên Chúa.”

Đức mến chính là sự kết hiệp, giữa ý nguyện của ta với ý nguyện của Thiên Chúa. Đó là từ bỏ cái tôi hoàn toàn trong tay Người, như một thói quen được rèn giũa, ngay cả khi chúng ta không cảm niệm được gì. Khi Chúa Giê-su nhìn thấy điều ấy trong trái tim ta, Người nhìn ta như những đứa trẻ trìu mến. Không phải người cha thường trở nên nuông chiều đứa con của ông ư? Người tìm những lý do cho sự thiếu sót, và cảm thấy vui thích với những đức tính tốt đẹp nhỏ nhoi của nó. Chúa Giê-su là như thế với những ai là con cái Người, bởi vì họ thật sự mong muốn như vậy.

Chúa cũng lặp lại với chúng ta một cách kiên trì những gì trong Tin Mừng: “Chính Thầy đây, đừng sợ,” bởi vì nỗi sợ vẫn ở đây: “nếu con đến với Người, những gì Người sẽ đòi hỏi ở con? Những gì Người sẽ yêu cầu con? Con sợ; con không muốn xúc phạm Người, không muốn tổn thương Người. Khi trao toàn bộ bản thân cho Người, như vậy có phải quá mạo hiểm không…” Nhưng chính những nỗi nghi ngại đó mới làm tổn thương Người.

Thánh Tê-rê-sa Avila quan sát thấy, người phụ nữ Sa-ma-ri, người đàn bà Ca-na-an và Maria Ma-da-le-na đã không chết hoàn toàn cho thế gian khi tìm gặp Chúa Giê-su. 

Thánh Phanxico de Salê nói: “Chúng ta phải bắt đầu bằng tình yêu, tiếp tục với tình yêu, và kết thúc trong tình yêu.” Khi một nữ tu thưa với thánh Phanxico rằng: “Con ước mình sẽ đạt được đức mến qua sự khiêm nhường.” Và ngài trả lời: “Và cha ước mình sẽ đạt được sự khiêm nhường qua đức mến.”

VI.

Mục tiêu chính yếu của cuộc tĩnh tâm này là giúp anh chị em trả lời cho những vấn đề cá nhân – nói ngắn gọn, đó là vấn đề khiến anh chị em phải bận lòng, đôi khi là điều khiến anh chị em phải đau khổ, bởi vì những vấn đề này là cần thiết cho một đời sống vĩnh cửu, và bởi vì sự thánh thiện của anh chị em là ánh sáng lan tỏa tới những người thân cận, cũng như tới thế gian.

Albert Einstein đã nói: “Vấn đề ngày nay không phải là năng lượng hạt nhân mà là trái tim của nhân loại.” Đó là vấn đề mà chỉ mình Chúa Giê-su có thể giải quyết. Chúng ta nói về Chúa với lòng sùng kính, nhưng chúng ta lại không nói chuyện với Người. Trước tiên, chúng ta nên nói chuyện với Người.

Đôi khi, tôi đặt câu hỏi: “Con có nghĩ con là niềm vui của Thiên Chúa?” Và rất nhiều lần tôi nghe câu trả lời rằng: “Con chưa bao giờ nghĩ về điều đó.” Hoặc có những người bắt bẻ, nói những điều như thế là bất xứng và kiêu ngạo. 

Tôi nên nói với anh chị em về điều này trong cuộc tĩnh tâm của chúng ta. Không phải đó là điều hợp lý khi nói niềm vui của người cha là đứa con của mình và ngược lại sao? “Giê-su, Chúa là niềm vui của con, và con cũng là niềm vui của Chúa.” Không phải có điều chép rằng “sự vui thích của Ta ở nơi con cái loài người" sao?

Có rất nhiều người Rửa Tội, Thêm Sức, những người được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, những người sống trong ân sủng của Thiên Chúa, những người là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nhưng lại sống một cuộc đời nơi thế gian mà chưa bao giờ trải nghiệm mối quan hệ từ-trái-tim-đến-trái-tim với Cha họ trên Thiên Đàng, Đấng Tạo Thành và là Đấng Cứu Chuộc, với niềm hạnh phúc đến từ việc trở thành niềm vui thích của Cha và của con. Chẳng phải đời sống ân sủng bắt đầu với cảm nghiệm về hạnh phúc vĩnh hằng sao? 

Con người xét mình về những việc họ bị cấm làm nhưng lại không xét về những điều được mời gọi để làm. Con người xét mình trên những thiếu sót và lầm lạc, nhưng lại không xét đến mối quan hệ mà họ có với Chúa Giê-su. Nó không có gì sai khi nói rằng đó là tội hờ hững – mà quá hiếm khi chúng ta tự buộc tội đó vào bản thân – hoặc là ít hơn những tội khác như: thiếu đức tin, hy vọng, và lòng nhân từ, thất bại trong việc tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, và sống trong những điều ấy. 

Tôi đảm bảo rằng chúng ta được tắm trong tình yêu và lòng thương xót. Chúng ta đều có một Người Cha, Người Anh Em, Người Bạn Hữu, và Người Chồng trong tâm hồn, là Trung Tâm và là Vua ngự trị trái tim, là Đấng Cứu Chuộc và là Vị Cứu Tinh, đã cúi xuống với chúng ta, với những yếu đuối và bất lực của chúng ta, và với một sự dịu dàng sâu thẳm, Người nhìn chúng ta – những trẻ thơ yếu dấu, bằng đôi mắt trìu mến yêu thương, Người nói: “Tôi đến để tỏ lòng thương xót chứ không phải để nhận vật tế lễ. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi;” một Đấng Giê-su ám ảnh với khát vọng cứu cuộc chuộc chúng ta bằng mọi giá, Người đã mở cửa Thiên Đàng ngay dưới chân chúng ta. Và chúng ta thì, quá thường xuyên, sống như những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ bị bỏ rơi, như thể Địa Ngục đã chờ sẵn dưới chân ta. Chúng ta quả là những kẻ với đức tin hèn kém!

Ôi, thật tuyệt làm sao nếu cuối bài giảng này, hoặc thậm chí là cuối cuộc tĩnh tâm này ta có thể reo lên câu nói trong Thánh Vịnh rằng, “Lạy Chúa, được Chúa thương mở lòng mở trí, con chạy theo đường mệnh lệnh của Ngài.”

Dịch và biên tập: Mèo Quin

Trích sách: I believe in Love - Fr Jean D'elbee

Comments

Popular Posts