VIẾT LÀ CÔNG VIỆC SÁNG TẠO



Viết dựa trên cảm hứng?

Mỗi khi có người nói với tôi viết dựa trên cảm hứng. Lúc hứng thì viết, lúc buồn hoặc không hứng sẽ không viết. Nhưng tôi nghĩ quan điểm đó chỉ dành cho những người xem Viết là niềm vui, là sở thích bên lề. Nhưng nếu xem Viết như một công việc nghiêm túc thì phải khác. Khó có một người viết theo cảm hứng nào có thể đi đường dài và đạt được một thành quả nhất định. Bởi vì tôi nghĩ khi bắt tay vào làm một công việc luôn cần sự đào luyện liên tục và cần mẫn. Nó yêu cầu kỷ luật và một khối lượng thời gian cụ thể để hoàn thành công việc. 

Nhưng việc kiên trì viết quả không đơn giản. Mỗi ngày ngồi vào bàn, dù đầu óc trống rỗng. Và phải đối diện với trang giấy trắng, tay cầm bút nhưng lại không biết sẽ phải viết gì. Rồi những con chữ bắt đầu hiện ra dù đến lúc này bản thân vẫn chưa biết sẽ viết gì. Chữ tiếp nối chữ, dòng tiếp nối dòng cho đến khi hoàn thành mục tiêu đề ra cho ngày hôm đó. 

Ban đầu chỉ là những dòng suy nghĩ đứt quãng. Ý này lặp lại ý kia, cậu này xọ câu kia. Không có cái gì liên tục và đi theo một chủ đề, đôi khi còn rất tối nghĩa. Đó chỉ là những đoạn văn hết sức lộn xộn, vô mục đích. Nhưng dần dần nó tạo thành một thói quen. Cứ viết đã rồi tính sau. 

Dần dần Viết trở thành công việc không thể thiếu trong ngày. Nhưng nó không khiến tôi mệt mỏi, chán chường. Bởi vì đối với những người thích Viết, Viết tạo ra niềm vui. Viết giúp tôi sáng tạo và vượt ra những giới hạn bản thân, là môi trường giúp người viết thành thật và tự do nêu ra quan điểm cá nhân. Viết là cách tìm về chính mình. Đó cũng là cánh cửa tự do mà một người khó tìm thấy ở  xã hội đầy luật lệ, xét đoán và định kiến. Có lẽ chỉ trong vùng đất của sáng tạo, con người mới tìm thấy tự do thật sự. Những người tiếp nhận nghệ thuật có quyền thích, có quyền ủng hộ, cũng có quyền không thích, phản bác. Nhưng không nên áp đặt người sáng tạo làm theo những gì họ cho là đúng và phải như vậy. Người nghệ sĩ cũng không cần phải hướng bản thân đi theo quan điểm của bất kỳ ai. Bởi sáng tạo là thể hiện cái tôi và tiếng nói độc nhất của một cá thể đến với công chúng. Sáng tạo là cách phân biệt sự khác nhau giữa người và người. Nó có thể hay trong mắt người này nhưng lại dở trong mắt kẻ khác. 

Sự nhầm lẫn tai hại 

Song đừng để bản thân nhụt chí nếu sự sáng tạo của mình không tìm thấy sự ủng hộ trong số đông. Hoặc bị số đông phản bác. Chỉ khi chúng ta trân trọng sự sáng tạo của chính mình, chúng ta mới tìm được ý nghĩa đích thực trong sáng tạo. Và cả niềm khích lệ và động lực khi làm việc. Có nhiều người nghệ sĩ bị bác bỏ và đánh giá bởi một số người. Nhất là những nghệ sĩ mới chập chững bước vào mảnh đất sáng tạo rất dễ đâm ra nhụt chí vì tin rằng những quan điểm đó là sự thật. Đó có thể là hiện thực (fact) nhưng không phải là sự thật (truth). Chỉ khi bản thân cá nhân tin vào cái nhãn ai đó tự động dán cho mình thì hiện thực mới chuyển sang sự thật. Và rất nhiều những người sáng tạo đã bỏ cuộc hoặc không còn tin vào chính mình do những lầm lẫn đó. 

Tôi đã từng là nạn nhân của việc đó. Khi mới tập tành viết kịch bản, tôi đã đưa cho một người thầy xem dự án dang dở của mình. Nhưng sau khi hỏi qua loa vài câu và lật xem rất nhanh, người thầy kết luận câu chuyện của tôi nhàm chán và không có gì đáng xem. Tôi đã ám ảnh những lời nói đó và tự dán nhãn "không có năng khiếu kể chuyện" cho mình. Tôi đã từ bỏ công việc này từ sâu trong thâm tâm. Và sau này, khi có ai nói tôi nên viết kịch bản , tôi đều lãng tránh. Có nhiều lúc tôi thử bắt đầu lại, nhưng khi đối diện với những trang giấy trắng trước mặt, tiếng nói của ông thầy lại vang vảng bên tai và  tôi nghĩ, "câu chuyện của mình chán òm. Viết làm chi cho mệt." Tôi đã bỏ cuộc ngay từ khi còn chưa bắt đầu. Đấy, đấy là sự tai hại cho việc nhầm lẫn giữa hiện thực và sự thật. 

Bất kỳ ai cũng có sự sáng tạo và tài năng đủ cho bất kỳ một công việc nào. Đó là món quà được trao công bằng cho mỗi người. Tôi tin là vậy. Tùy theo cách mỗi người sử dụng mà nó sẽ sinh ra hóa trái trong tâm hồn họ. Có người dùng nó trong kinh doanh buôn bán, có người dùng trong lĩnh vực học thuật như triết, tâm lý, toán, có người dùng trong nghệ thuật như vẽ, viết, sáng tác âm nhạc, hoặc lĩnh vực ăn uống ẩm thực, xây dựng, luật pháp. Bất kỳ lĩnh vực nào con người làm đều có sự sáng tạo. Có người nhận ra, có người thì không nhận ra. Nhưng sự sáng tạo thì luôn ở trong mỗi con người chúng ta. Chỉ là chúng ta có muốn sử dụng và trân trọng món quà của mình mà không thôi. 

Cá nhân tôi nghĩ, sự sáng tạo không nên bị hoặc được đánh giá. Dù cho bức tranh của một đứa bé sáu tuổi hoặc tác phẩm nghệ thuật như nàng Mona Lisa đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ những người khác. Bởi sự sáng tạo không có thước đo đánh giá tuyệt đối tác phẩm của ai mới tuyệt và tác phẩm của ai không tuyệt. Sáng tạo là mảnh đất của sự tôn trọng và bình đẳng. Nó khiến tôi liên tưởng đến quan điểm của Jean-Jacques Rousseau khi ông cho rằng "con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu họ cũng sống trong xiềng xích". Ông giải nghĩa bản chất con người là trong sáng, nhưng khi xã hội bắt đầu tạo ra những luật lệ và thước đo giá trị tạo ra sự bất bình đẳng, lúc đó xã hội bị tha hóa và con người sống trong xiềng xích. Việc ca ngợi và dành quá nhiều sự ưu ái cho một tác phẩm nào đó đồng thời bài xích, phê phán một tác phẩm khác từ số đông tạo ra những người nghệ sĩ "chết". Các bào tàng và các viện hàng lâm đánh giá và tạo ra giá trị của một tác phẩm đồng nghĩa giá trị của những tác phẩm không được chọn sẽ bị đối xử bất bình đẳng, tạo ra sự so sánh trong số đông. Tôi cũng cho rằng việc chấm điểm các môn sáng tạo là một hạn chế và đẩy sự sáng tạo theo một khuôn khổ nhất định, tạo ra những con người "không thực sự sáng tạo" mà chỉ tạo ra những gì đáp ứng đúng thang đo giá trị. 

Tóm lại, đừng nói mình là nhà văn nếu chỉ viết theo cảm hứng. Đừng tin vào hiện thực ai đó dán nhãn, hãy cho họ thấy sự thật là những gì được xây dựng trên nỗ lực của bản thân. Và tôi nghĩ những người tiếp nhận nghệ thuật nên xem một tác phẩm sáng tạo dựa vào ý nghĩa của nó và gốc nhìn của người nghệ sĩ chứ không chỉ dựa trên gốc nhìn của bản thân, từ đó dành cho tác phẩm sáng tạo một sự tôn trọng và bình đẳng nhất định.

Mèo Quin. 

Comments

Popular Posts