THỬ THÁCH 1 TUẦN: TẮT ĐIỆN THOẠI VÌ CHÍNH MÌNH (1)

Con người sống nơi đô thị chật chội, ngột ngạt như thể bị kìm hãm trong một cái lồng sắt. Đâu đâu cũng chỉ toàn những tòa nhà chọc trời. Không có nơi để người ta trở về với thiên nhiên, cây cỏ và môi trường sống tự nhiên. 

Khi xì-chét họ đi đâu? Họ lang thang trong những trung tâm mua sắm, đi ăn nhà hàng sang trọng hoặc đến các quán cà phê có “view” đẹp, chụp hình check-in, nốc vài ly cock-tail hoặc rủ nhau đến rạp chiếu phim. Họ lao đầu vào những thú vui ngắn ngủi như một liều thuốc giảm đau tức thời. Để rồi kết thúc, nó chẳng đọng lại dư vị nào trong tâm hồn. Nhưng cho dù ngắn ngủi, những buổi nghỉ xả hơi đó vẫn bị chen ngang bởi một “thế giới” khác mà người ta vẫn gọi là thế giới ảo. Thế giới ảo chen vào đời sống bằng mạng xã hội và các thông tin liên tục. Chúng ta sống giữa hai thế giới. Song lại không thật sự tồn tại ở bất kỳ nơi nào. Lơ lửng, trôi nổi và không biết mình thuộc về thế giới nào. Ngồi trên bàn ăn hoặc đi cà phê cùng nhau, chúng ta cũng chỉ đối diện với màn hình điện thoại hoặc máy tính. Bỏ quên người đang hiện diện ngay trước mặt. Một thế giới mà ở đó con người bị bỏ rơi và phớt lờ. Con người đang chịu tổn thương bởi điều đó. 

Ban đầu, tôi bối rối và ngượng ngùng. Tôi không biết phải xử trí như thế nào. Nhưng rồi tôi nhớ rằng mình cũng có điện thoại, tôi đáp lại bằng cách lấy điện thoại của mình ra, bắt đầu dán mắt vào màn hình như một cách tự phòng vệ trước sự bỏ rơi. Sống nhưng không thực sự sống, có lẽ là ý như thế. Chúng ta chỉ tồn tại ở thế giới thực với cơ thể vật lý nhưng tâm trí lại sống ở một thế giới vay mượn khác, nơi xã hội được hình thành qua những thuật toán và dữ liệu data.

Nói đến đây, tôi nhớ đến bộ phim Ma trận. Bộ phim đó chính là dự đoán cho xã hội hiện nay và tương lai gần. Một xã hội mà thế giới thực hoang tàn và đổ nát. Và con người sống trong những "phôi bào" quan tài để giữ sự sống và trở thành nguồn năng lượng hoạt động cho big data khổng lồ. Con người không còn khả năng nhận thức được thế giới thực mà sống trong một thế giới ảo nơi các thuật toán kiểm soát và điều hành chúng ta. Google, Facebook, Twitter, Amazon, Netflix...những công cụ tưởng như vô hại, phục vụ cho nhu cầu đời sống hiện đại một mặt nào đó đang theo dõi hành vi và thao túng tâm lý của mỗi người. Kẻ đứng sau các đế chế công nghệ nhận tiền để hướng dư luận theo chiều hướng mà họ mong muốn. Các cuộc bạo động, biểu tình và cả dịch bệnh liệu sẽ lan tràn nhanh chóng và trở thành trào lưu theo hiệu ứng số đông nếu không nhờ các hình ảnh tin tức trên các trang mạng xã hội? Dù cho nó đi theo chiều hướng tốt hay xấu, chúng ta có chắc bản thân không phải là công cụ cho một mục đích ẩn sâu bên dưới. 


Con người ngây thơ và ngu ngốc hơn những gì chúng ta nghĩ. Chúng ta để những giá trị cơ bản nhất của đời sống bị lãng quên. Đó là gia đình, là cảm giác mong muốn được kết nối, thuộc về, chia sẻ với nhau và với môi trường. Do đó, cảm giác sống nơi độ thị giống như là cảm giác bị kiềm cặp trong một ngục tù vô hình. Không nhìn thấy song sắt, cai ngục không có nghĩa chúng ta hoàn toàn tự do. 

Bạn đã bao giờ CHỦ ĐỘNG tắt điện thoại và không chạm vào nó trong 1 tiếng đồng hồ? Giây phút bạn tắt điện thoại và để thời gian trôi, bạn sẽ thấy mức độ phụ thuộc trầm trọng của bản thân là như thế nào. Nỗi sợ liệu có một cuộc điện thoại quan trọng hoặc tin nhắn nào được gửi đến hay không; liệu có ai thả tim dòng trạng thái mình vừa đăng Facebook, liệu có bao nhiêu lượt like hình ảnh trên Instagram; liệu vân vân và vân vân....Bạn quên đi chính mình, nhưng lại chờ đợi sự chú ý từ những con người bên ngoài, thậm chí là xa lạ.

Đã bao lâu rồi bạn chưa ngồi xuống và quyết định không làm gì cả trong 1 tiếng đồng hồ? Thời gian trôi và có thể bạn chỉ nằm trên sàn, ngước nhìn lên trần nhà và nghĩ ra hàng tá thứ thú vị khác mà có thể làm. Bạn sẽ thấy lúc đó muốn viết, muốn vẽ nghuệch ngoạc, muốn lôi cuốn album hình gia đình ra xem lại, muốn trò chuyện cùng bố mẹ, với đứa em trai chị gái hoặc con cún chú mèo đang nằm ịch ra giữa sàn. Đi bộ ra cửa hàng tạp hóa gần nhà mua que kem và thơ thẩn đi dọc khu hàng xóm. Nhìn con mèo đang ngủ, hát nghêu ngao một bài hát vừa mới nghe...Có hàng ti tỉ việc bạn có thể làm. Và việc quan trọng nhất chính là tập trung vào chính mình

Đã bao lâu rồi bạn chưa hỏi thăm bản thân? Dạo này mày khỏe không? Có đau ốm gì không? Có buồn phiền gì không? Có ngồi khóc nhè một mình không? Có thấy cô đơn và cần ai đó không? Bạn sẽ nhận ra bản thân lên tiếng. Một tiếng nói rụt rè, và nhỏ nhẹ như thể sợ ai nghe thấy. Nhưng rồi tiếng nói ấy lớn dần và nhanh dần khi cuộc trò chuyện tiến triển. Có thể là phấn khích và cũng có thể là giận dữ. Nhưng tóm lại là có nhiều điều muốn giải bày. Ghi lại khoảnh khắc ấy và đọc, nghe hoặc xem lại, sẽ có nhiều điều bất ngờ đấy. 

"Sau cuối ngày về ôm lấy mình trong gương. Đó là người gần nhất ta trông thấy mà không thương."  - Đạt Maniac

Bây giờ tôi nghĩ ra một thử thách nho nhỏ.

1.    Việc đầu tiên, viết thật nhanh ra danh sách 20 điều muốn làm trong 1 tiếng (có thể là dọn dẹp phòng, ngồi xem lại bộ phim yêu thích, đọc một câu chuyện ngắn, viết một bài thơ, viết thư cho người yêu cũ, vẽ một con trăn nuốt con voi…) Đừng để não trái đuổi kịp tốc độ của bạn nhé. (truyền thuyết nói rằng não trái là não của lô-gic chuyên đi bắt bẻ và gạt bỏ những tư tưởng không bình thường; còn não phải là não của sáng tạo nên nó hay có những ý tưởng điên rồ nhưng lại vô cùng thú vị và khiến cho cuộc đời bạn sắc màu hơn)

2.    Viết cam kết thực hiện bao gồm thời gian bắt đầu và kết thúc, lời hứa của bản thân và ký tên.

3.   Tắt điện thoại hoặc để vào chế độ máy báy 1 giờ trong vòng 1 tuần. Làm những điều bản thân thích hoặc tìm gợi ý trong danh sách 20 điều muốn làm. Ghi lại bằng giấy hoặc hình ảnh những điều bạn đã làm trong một tuần.

Hãy dành tặng món quà nho nhỏ đó cho bản thân trong 1 tuần nhé. Tôi cũng sẽ thực hiện và chia sẻ với các bạn một tuần của mình trong một bài đăng gần nhất.

Mèo Quin. 

Comments

Popular Posts