Say ngủ - Banana Yoshimoto

Trích từ M/V "Yes No Maybe" Suzy(수지) 


NỖI BĂN KHOĂN, ÁM ẢNH, VÀ CĂN BỆNH TRẦM CẢM CỦA NGƯỜI TRẺ TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI.

Những con người trong đây mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi khó có thể diễn tả được. Họ mang đặc trưng nhân vật của Banana khi viết về nỗi cô đơn, mất mát và sự hụt hẫng trong cuộc sống của giới trẻ. Những con người loay hoay tìm cho mình một con đường đúng đắn ở giữa ngã ba đường. Nhưng thật không may, hầu hết họ đều mắc kẹt vào một sự trống rỗng và băn khoăn không tìm thấy lối ra. Không phải tất cả đều mắc kẹt trong cái sự loay hoay vô tận này, nhưng phần lớn đều cảm thấy trơ trọi và bơ vơ trong đời sống đô thị tấp nập, nơi kẻ qua người lại những chẳng thể tìm thấy một ai để lắng nghe hoặc thấu hiểu. Họ bắt gặp chính mình đâu đó như những kẻ lãng du phiêu bạt giữa những con đường hoang vắng.

Trích từ M/V "Yes No Maybe" Suzy(수지) 

Tôi nghĩ đây là lý do vì sao tôi thích đọc truyện của Banana vì đề tài chủ yếu trong các câu chuyện của cô là giới trẻ. Những cô cậu thanh niên ở tầm 20 đến đầu 30. Ở độ tuổi này mang một điểm đặc trưng đáng kể. Đó là giai đoạn thể xác và tâm hồn không hợp nhất, do đó mà nảy sinh mâu thuẫn nội tâm. Nhưng để khai thác và viết về nó một cách rõ ràng mạch lạc không phải là chuyện dễ. Song Banana lại chính là nhà văn chuyên khai thác và viết về đề tài này.

Khủng hoảng tuổi 25.

Đây là giai đoạn mà những anh chàng, cô nàng thanh thiếu niên phải tập làm quen với sự trưởng thành, chịu trách nhiệm với bản thân và bước chân vào thế giới người lớn. Nơi sự cô độc và lang thang bắt đầu. Nơi những mò mẫm tự thân có thể giết chết tâm hồn hoặc vấy bẩn nó. Nơi con người dành hầu hết thời gian để đặt nghi vấn lên chính mình. Tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời. Khoác lên mình chiếc áo kệch cỡm của người lớn, nhưng bên trong tâm hồn lại là những đứa trẻ trong sáng.

Tôi đã từng nghe đến những người bạn của mình. Những người than trách về thế giới người lớn. Những người không hiểu làm sao để hòa nhập. Hoặc những người hòa nhập quá thể để rồi đánh mất bản chất tự nhiên của chính mình, lạc lối và vô phương.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và Yoshimoto Banana là tác phẩm nổi tiếng nhất của cô, the Kitchen. Ở cái tuổi mười mấy vừa dậy thì, tôi không hiểu hết những sự hoang vắng và trống rỗng trong tâm hồn, cả nỗi mất mát đau đớn mà các nhân vật cảm nhận. Khi lớn hơn chút, ở đầu tuổi đôi mươi, tôi đọc lại the Kitchen với phiên bản tiếng anh. Lần này, tôi thấu cảm nhiều hơn những nỗi niềm mà các nhân vật mang lại qua giọng kể trầm tĩnh nhưng u buồn phẳng lặng như mặt hồ của tác giả. 

Nhưng phải đến khi vượt ngưỡng hai mươi lăm, tôi mới hiểu một cách trọn vẹn các nhân vật của Banana. Phải chăng vì tôi cũng đang ở trong cái ngưỡng ấy? Cái ngưỡng mà tôi bắt gặp mình trong các nhân vật của cô. Và không chỉ mình tôi, tôi cũng thấy các bạn mình trong những nhân vật đó. Tất cả chúng tôi đều ở đó. Ở cái ngưỡng mà chỉ chạm đến mới hiểu được. 

Ảo ảnh là do tâm trí con người mà ra. Trầm cảm là do quá sợ hãi khi thừa nhận linh hồn đang tổn thương nghiêm trọng.  

Tập truyện ngắn gồm ba câu chuyện mà nhân vật là những người phụ nữ trong độ tuổi giữa đôi mươi và có lẽ đâu đó tầm đầu ba mươi.

Những câu chuyện của Banana luôn có yếu tố tâm linh kỳ bí. Và chính trong quyển Say Ngủ tôi cũng bắt gặp điều ấy. Ở câu chuyện thứ nhất, trong thế giới của những giấc mơ, cô gái gặp lại bạn thân vừa mới chết và người vợ đang chìm trong hôn mê sâu của anh chàng mà cô qua lại bấy lâu. Câu chuyện thứ hai, người chị họ tồn tại âm thầm lặng lẽ như bóng ma lướt qua màn đêm đến tìm chút hơi ấm của những người còn sống. Câu chuyện cuối cùng kể về cô gái tìm gặp đối thủ cạnh tranh đã qua đời khi họ còn giành giựt với nhau một người đàn ông trong phép gọi hồn kỳ lạ. Tất cả những yếu tố tâm linh đó khiến câu chuyện trở nên mộng mị và siêu thực để rồi khiến tôi nhận ra đó chỉ là những ảo ảnh được tạo ra để che lấp nỗi mất mát và cô đơn cùng cực.

Và căn bệnh trầm cảm mà các nhân vật mắc phải là thứ không thể không đề cập đến. Người đầu tiên tìm đến những giấc ngủ mê mang không hồi kết, những giấc ngủ khiến cô có thể quên đi thực tại và đôi khi là quên luôn cả chính mình. Người thứ hai thì trở nên lặng lẽ, trầm uất đến nỗi không một ai còn cảm nhận được hơi ấm và sự tồn tại hữu hình của cô. Giờ đây thứ còn còn lại chỉ là một cái xác không hơn không kém bởi vì linh hồn cô đã chết vào cái ngày mà người yêu cô gặp tai nạn. Người thứ ba thì tìm đến rượu, một nhân tố kinh điển khi con người muốn chìm ngập trong những cơn say để không phải đối mặt với hiện thực. Đây có lẽ là ba kiểu trầm cảm thường bắt gặp ở đại đa số chúng ta. Những con người quá sợ hãi để thừa nhận linh hồn mình đang tổn thương nghiêm trọng. Điều chúng ta làm là vùi mình vào những thứ có thể khiến ta quên đi tổn thương. Song lại quên mất, những tổn thương trong tâm hồn cũng tương tự như những vết thương hở ngoài da. Nếu không được chữa lành sẽ tiếp tục nhiễm trùng và ăn sâu bám rễ đến hoại tử. Và cuối cùng là phải cắt bỏ. Còn trong tâm hồn, những tổn thương thường sẽ bị ném vào một góc khuất trong tiềm thức hoặc đè nén chôn giấu trong vùng tăm tối mười ngàn mét của vô thức. Trở thành lý do lãng quên chính mình.

Lữ Khách Giữa Hai Màn Đêm: "To be or not to be, that is the question." 

Trong ba câu chuyện, câu chuyện mà tôi đồng cảm nhất là Lữ Khách Giữa Hai Màn Đêm. Câu chuyện được kể thông qua góc nhìn của người thứ ba. Cô em gái chứng kiến tình yêu của người anh trai ruột và cô chị họ. Cả ba đã ở bên nhau từ khi còn là những đứa trẻ cho đến khi trưởng thành. Mối gắn kết sâu đậm qua thời gian. Thời gian cùng nhau trưởng thành và chia sẻ những điều thầm kín nhất. Vào cái đêm cô gái ngồi chờ bạn trai ở quán cà phê, khi cô chờ mãi mà không thấy anh đến, cho đến khi cô trở về nhà và hay tin anh bị tai nạn. Sự chờ đợi đó có lẽ sẽ kéo dài vô tận. Thời gian của cô có lẽ sẽ dừng lại tại quán cà phê vào ngày hôm đó. Và những năm tháng cuộc đời tiếp theo sẽ như một đốm mờ trong ký ức mà cô không thể nhớ. 

Trích từ MV "Yes No Maybe" - Suzy

Dạo gần đây, tôi vô tình bắt gặp một video trên youtube với tiêu đề “4 lý do chúng ta cảm thấy trống rỗng.” Lý do thứ ba, “chúng ta không để yên cho quá khứ ngủ yên.” Video giải thích rằng, sự trống rỗng bắt nguồn từ một mối quan hệ hoặc cảm xúc mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được với chính mình. Hầu hết đều cảm thấy như vậy khi mất đi một mối quan hệ, một ai đó, hoặc mục tiêu nào đó định nghĩa sự tồn tại của chúng ta. Vì vậy khi nó không còn nữa hoặc thất bại trong việc đạt được, chúng ta trở nên bối rối và băn khoăn về chính mình, về ý nghĩa sự tồn tại. Cho đến khi dũng cảm nói lời từ biệt với quá khứ (bao gồm mối quan hệ, một ai đó, hoặc mục tiêu nào đó) thì chúng ta mới tiếp tục sống ở hiện tại được. 

Đó là bài học mà tôi đã học được sau bốn năm dài loay hoay kể từ ngày tôi tiễn người bạn thân của mình di cư sang một đất nước khác. Thời gian của chúng tôi dừng lại vào ngày hôm ấy. Trái tim của tôi thắt lại khi bạn tôi nói rằng: dù cho nhiều năm đã trôi qua nhưng mình thấy mình vẫn là cô bé mười tám tuổi đứng ở sân bay. Không sao bước qua được. Sống nhưng không sống. (To be or not to be, that is the question) Có lẽ Hamlet cũng hiểu được nỗi bi kịch này như chúng tôi. Song dũng cảm nói lời tạm biệt dù đau đớn và buồn bã đến mấy, dù biết rằng sẽ phải rời xa một phần gắn bó và có ý nghĩa trong đời, đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể sống “here and now” như câu châm ngôn mà bố vẫn hay nói. Bởi vì không có sự tàn nhẫn và đau đớn nào cho bằng việc chúng ta bỏ rơi chính mình trong vùng tăm tối mười ngàn mét của vô thức. Có phải vậy không?

Quay lại với Say Ngủ nói riêng và những câu chuyện của Yoshimoto Banana nói chung, tôi nghĩ lý do mà những câu chuyện của cô trở nên có sức hút chính là việc nó đã chạm được đến trái tim của chúng ta, đến nỗi niềm thầm kín nhất như thế nào, để ở đấy, chúng ta nhìn thấy chính mình như cách mà chúng ta vẫn thường soi chiếu bản thân qua một tấm gương mỗi ngày.

Mèo Quin. 

Comments

Popular Posts