Nhà Giả Kim - Paulo Coelho *

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT GÃ ĐI TÌM GIẤC MƠ

Người ta nói: mỗi một cuốn sách mở ra một chân trời mới, một thế giới mới. Tôi đã tìm thấy điều đó trong Nhà Giả Kim. Có lẽ tôi sẽ chẳng thể tìm thấy ở bất kỳ cuốn sách nào những ý nghĩ chưa có trong câu chuyện này. Đó là một sự kinh ngạc được dẫn dắt hết lần này đến lần khác mà tôi vẫn không thôi ngạc nhiên về sức mạnh nội tại và bí ẩn của nó. Một câu chuyện giàu ngữ nghĩa lẫn tính biểu trưng, tầng tầng lớp lớp được phủ lên nhau một cách khéo léo và tinh tế đến nỗi nhiều lúc tôi đã phải bất giác thốt lên: Sao nó có thể giàu có được như thế? Cứ như thể tôi thò tay vào một lỗ cát và cố chạm đến đáy nhưng chẳng thể nào chạm nỗi.

Nếu phải dùng một tính từ để diễn tả câu chuyện này, tôi chỉ có thể dùng hai từ: Tuyệt vời! Đã lâu lắm rồi tôi chưa được đọc được một cuốn sách giàu có nào về mặt ngữ nghĩa và triết lý như vậy. Tôi tin chỉ những nhà văn tài ba mới làm được điều này: đó là thể hiện câu chuyện của mình ở dạng thức đơn giản và thuần khiết nhất. 

Câu chuyện này gợi nhắc tôi nhớ đến Hoàng Tử Bé. Xét theo cách biểu đạt, cả hai câu chuyện đều được viết dưới dạng truyện ngụ ngôn mang nhiều hình ảnh tượng trưng ẩn dụ, song trong đó lại chứa đựng cả một túi ba gang đầy vàng, không tìm đâu thấy được. Phải là một con người từng trải như thế nào mới viết được một câu chuyện như vậy? Và theo tôi, từng trải thôi là chưa đủ còn cần phải có sự chiêm nghiệm sâu sắc về bản thân và thế giới thông qua những trải nghiệm đó. Như cách nhà luyện kim đan nói với cậu chăn cừu: "cậu không cần phải hiểu hết mọi điều trong sa mạc mà chỉ cần nghiền ngẫm về một hạt cát thôi và cậu sẽ thấy trong đó mọi sự mầu nhiệm của công trình tạo hóa." Đôi lúc, có những triết lý sâu sắc trong đời sống mà thi thoảng chạm đến tôi, nhưng tôi lại quá hời hợt sao nhãng bỏ qua nó. Cho đến khi bắt gặp lại được trong chính những câu chuyện đầy đơn giản. Đơn cử như triết lý “here and now” mà bố luôn nhai đi nhai lại bên tai cho đến khi bắt gặp lại trong câu nói của người phu lạc đà: “Tôi vẫn sống như từ trước tới giờ. Nghĩa là khi ăn tôi không làm gì khác hơn là ăn….Bao giờ cũng chỉ là khoảnh khắc ta hiện đang sống.” 

Cái đó cũng là cái tôi khâm phục ở cả hai tác giả này. Họ không cố gắng gồng mình tạo nên một sự nguy hiểm, hay mê cung hiểm hốc, khiến độc giả lạc lối đâu đó, nhưng là một sự trình bày lớp lang về một câu chuyện đầy sức bật và ý nghĩa. Đó cũng là lý do tôi không lấy làm ngạc nhiên khi cả hai câu chuyện đều được xếp vào dạng sách kinh điển. Và quả thực, sẽ chẳng ai thấy tốn một giây phút nào kể từ khi bắt đầu mở trang sách đến khi đóng nó lại. Thứ mà họ học được, có lẽ còn nhiều hơn cả quảng thời gian mà họ dành ra để đọc nó.

Có hai điều tôi học được trong câu chuyện này:

Thứ nhất là sự dũng cảm tiến bước. Tương tự như câu châm ngôn ông bà ta để lại, “đi một ngày đàng học một sàng khôn.” Câu chuyện này sâu sắc hơn khi chỉ ra rằng, để học được “một sàn khôn" chúng ta có thể phải trả giá bằng nhiều thứ. Có thể là nỗi cô đơn hiu quạnh về một cuộc sống lay lắt; hoặc sự lạc lối của tâm hồn khi bị cuốn trôi khỏi mục đích ban đầu. Lắm lúc bỏ lỡ tình yêu vừa mới tìm thấy; và thậm chí có khi là mạng sống mình. Phải chăng điều gì cũng có giá của nó? 

Điều thứ hai chính là một tinh thần đầy lạc quan. "Cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho, cứ xin thì sẽ được"(Mt7,7). Nếu lưỡng lự mà không dám bước đi thì ta cũng tương tự như ông lão ở cửa hàng pha lê mỗi ngày đều mơ đến Mekka, nhưng chẳng bao giờ đến được vì“chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: đó là sợ sẽ thất bại." 

Cái kết của câu chuyện này khiến tôi băn khoăn mãi. Tôi đã không thể hiểu được tại sao cậu chăn cừu lại tìm thấy "kho báu" cậu luôn tìm kiếm ngay tại nơi cuộc hành trình bắt đầu, nơi quen thuộc và ở ngay cạnh bên. Sau này, khi ngẫm nghĩ ra, tôi hiểu rằng, hành trình của cậu chăn cừu cũng y như hành trình tìm kiếm "kho báu" của mỗi người chúng ta. Ai cũng mau mắn xốc ba lô đến những vùng trời xa lạ để tìm kiếm "kho báu" nhưng đi một vòng thế giới, mất hơn nửa đời người mới phát hiện "kho báu" không phải là thứ mới lạ mà nó là thứ đã có trong đời sống hằng ngày của ta. Song vì một lý do nào đó, ta bị che mắt và không thể nhìn thấy. 

Băn khoăn nối tiếp băn khoăn. Tôi cứ nghĩ mãi về câu nói "trái tim cậu ở đâu thì kho báu cậu tìm ở đó." "Kho báu" mà tác giả muốn nói tới ở đây là gì? Sau một quá trình tìm về với chính mình. Và điều đáng kinh ngạc mà tôi phát hiện ra, "kho báu" đó chính là, những điều trái tim mình mách bảo. Nhưng tiếc thay, con người ngày nay không lắng nghe trái tim mình nữa. Thế nên trái tim bây giờ chỉ nói chuyện với trẻ con thôi. Vì vậy mà "kho báu" vẫn cứ bị chôn vùi. Chỉ những người dũng cảm nhất, lắng nghe trái tim mình, và đi theo trái tim mới tìm thấy "kho báu."

Cuốn sách viết về những điều đơn giản nhất, nhưng cũng là những điều tuyệt diệu nhất. Khi viết cảm nhận về những sách khác, tôi thường không trích dẫn sách. Nhưng vì Nhà Giả Kim có những câu nói đáng suy ngẫm nên tôi muốn chia sẻ một vài câu yêu thích của mình cho các bạn. Nếu bạn cũng đã từng đọc, hãy chia sẻ cùng tôi những câu bạn thích và điều gì khiến bạn thích nó nhé. 


  • “Hồi trẻ, ta muốn dành dụm ít tiền để mua cửa tiệm này. Lúc ấy ta nghĩ đến một ngày đủ khá giả sẽ đi Mekka...Cậu khác hẳn ta vì câu muốn đạt được ước mơ. Còn ta chỉ muốn mơ về Mekka thôi.” “Sợ bị thất vọng não nề, nên ta chọn cách chỉ mơ thôi” - Ông lão chủ cửa hàng pha lê. 

  • “Khi cậu quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp cậu đạt được mục đích...Nhưng nhà vua đã không hề đề cập đến bọn cướp đường, sa mạc mênh mông vô tận, đến những kẻ biết mình có ước mơ mà không muốn thực hiện nó. Nhà vua cũng không hề bảo rằng Kim Tự Tháp chỉ là những đống gạch cũ mà ai cũng có thể tự dụng được trong vườn nhà.” - Cậu chăn cừu.

  • “Nhưng cậu nghiệm ra một điều quan trọng: quyết định mới chỉ là bước khởi đầu. Khi đã quyết định rồi tức là ta trôi nổi trong một dòng sông cuồn cuộn chảy; nó cuốn ta theo đến một nơi mà lúc lấy quyết định ta không hề dám nghĩ tới.” - Cậu chăn cừu.

  • “Tôi vẫn sống như từ trước tới giờ. Nghĩa là khi ăn tôi không làm gì khác hơn là ăn….bao giờ cũng chỉ là khoảnh khắc ta hiện đang sống.” - Người phu lạc đà.

  • “Chỉ có một cách học thôi, đó là thông qua hành động...Chỉ có một cách trở thành nhà văn, đó là hãy viết. Và học thông qua việc viết."

  • "Hãy lắng nghe trái tim mình. Nó biết hết mọi điều vì nó từ Tâm linh vũ trụ mà ra và một ngày kia sẽ trở về đó." "Tại sao ta lại phải lắng nghe trái tim mình nhỉ?...Bởi vì trái tim cậu ở đâu thì kho báu cậu tìm ở đó.” - Nhà luyện kim đan.

  • "Không ai trốn tránh được trái tim mình; thành ra nên lắng nghe nó nói là hay hơn cả." - Nhà luyện kim đan.

  • "Ai ai trên Trái Đất cũng đều có một kho báu chờ đợi mình"   - Trái Tim.

  • "Mỗi giây phút tìm kiếm là một khoảnh khắc gặp gỡ thượng đế" - Cậu chăn cừu.

  • Chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: đó là sợ sẽ thất bại"  - Nhà luyện kim đan.

 *Một bài viết đối thoại cùng Paulo Coelho: https://meoquin1720.blogspot.com/2020/09/oi-thoai-paulo-coelho.html

Mèo Quin. 

 











 

Comments

Popular Posts