RIBE TUCHUS

BÀN VỀ HAI THÁI CỰC: TỰ TI VÀ TỰ KIÊU CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ

Ribe Tuchus theo tiếng Yiddish có nghĩa là "rub your bottom on the chair." Nói một cách khác, có nghĩa là "ngồi yên" (stay still). 

***

Trong lúc viết những trang viết buổi sáng (morning pages), tôi đã nghĩ: khi một người bắt đầu tư duy sáng tạo thì họ như thế nào nhỉ? Đôi khi có hai thái cực diễn ra trong tâm trí tôi: tự ti và kiêu ngạo. Khi tôi bắt đầu viết hoặc vẽ, có những lúc tôi nghĩ việc mình đang sáng tạo sẽ chẳng ai muốn đọc hoặc xem. Nó không tạo ra một giá trị lớn lao nào. Nó chỉ là những bản nháp (draft not craft), mà mình thì không biết làm sao để biến draft thành craft. Thế nên tôi thấy công việc mình đang làm bỗng chốc vô giá trị và chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thế nên tôi nản chí, chỉ muốn dẹp cho xong. 

Nhưng ngay lúc đó có một tiếng nói trong tôi xuất hiện. Một tiếng nói nhỏ bé và yếu ớt: 

Tại sao cần phải làm để cho cả thế giới? Trước tiên phải là tôi. Tôi nhận được những lợi ích nào? Chẳng phải nó giúp tôi giải phóng những bí bách, dồn nén bên trong? Chẳng phải nó cho tôi đôi cánh của sự tự do và sáng tạo? Nó giúp tôi nói tiếng lòng của bản thân, thể hiện chính mình qua nghệ thuật. Chẳng phải như vậy là đủ ư? 

Tại sao tôi lại so sánh mình với kẻ khác và tự thấy mình thua thiệt không sánh bằng? Tôi là tôi. Họ là họ. Mỗi người có một cách nhìn thế giới, và với chính mình khác nhau. Không ai toàn vẹn và cũng không ai bất toàn. TÔI LÀ TÔI. Tôi nên nhớ cách nhìn của tôi là độc nhất và khác biệt. Người khác có thể không thích cách nhìn đó. Nhưng nó không phải là tác nhân khiến tôi ngừng sáng tạo. Vì tôi có quyền tự do sáng tạo. Không phải người khác không thích hoặc phớt lờ nó thì tôi sẽ ngưng làm và đổ lỗi cho sự bỏ cuộc của bản thân lên họ. Họ không khiến tôi bỏ cuộc. Nhưng chính tôi là người quyết định và đưa ra lựa chọn bỏ cuộc. Và ai là người chịu thiệt chứ? Là họ hay tôi? Chính phải tôi sao? Tôi lại tiếp tục lẫn trốn và mắc kẹt trong chính mình. Tiếp tục bí bách và dồn nén. Tiếp tục ở lại trong cái vỏ cũ. 

Thật ra chẳng ai bắt tôi phải là người tốt nhất. Nhưng là người thể hiện quan điểm cá nhân một cách thành thật và chân thành với bản thân nhất. Tôn trọng chính mình, những gì thuộc về mình, và làm nên con người mình. 

Đó là cái thế giới muốn xem: tiếng nói của tôi. Chỉ vậy thôi!

"There is no must in art because art is free" - Wassily Kandinsky

***

Và rồi tôi thấy được cổ vũ. Tôi làm. Nhưng khi công việc còn chưa hoàn thành, tôi đã kiêu ngạo. Một tiếng nói khác đầy tán thưởng vọng vang: 

Ôi trời, nhìn kìa, trông nó thật hay ho và đẹp đẽ làm sao? Có lẽ sẽ chẳng có ai làm ra được tác phẩm như tôi. Tôi thật là độc đáo và khác biệt. Tôi sẽ được tán thưởng cho xem. Kịch bản mà tôi viết sẽ đạt hàng loạt giải tại các liên hoan phim. Có thể là cả giải Cannes. Rồi cả thế giới sẽ nhìn tôi với con mắt khác: con mắt của sự ngưỡng mộ và trầm trồ. Rồi sẽ có những kẻ chạy theo tôi vì yêu thích tài năng của tôi. Rồi những bức tranh của tôi sẽ được triển lãm và người ta sẽ mua nó. Người ta sẽ yêu thích và xuýt xoa vì tâm hồn bên trong mà nó chứa đựng. Ôi, thật tuyệt vời làm sao!

Đấy, những tiếng ấy vang vọng ngay bên tai tôi. Và tôi phải tự điều chỉnh chính mình: "kẻ thù của người nghệ sĩ là sự kiêu ngạo." Tôi lặp đi lặp lại câu nói để gạt đi những ảo ảnh phù phiếm và hoa mỹ. Như trong bộ phim the Great Gasby. Và rồi tôi quay về với sự tự ti ban đầu: 

"Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng." Còn chưa hoàn thành mà đã suy nghĩ xa vời. Nhìn kỹ lại thì tôi thấy nó cũng không tuyệt lắm. Nó có gì đó chưa hoàn hảo. Có gì đó bình thường và thậm chí là tầm thường. Nó không mang một ý nghĩa minh triết nào cả, hoặc thậm chí là tầng nghĩa ngầm lớn lao. Nó chỉ tầm thường thôi. 

Và rồi sau đó là sự đấu đá qua lại giữa Tự Ti và Tự Kiêu. Chúng khiến tôi mệt mỏi. Lúc bấy giờ tôi mới băn khoăn rằng: đâu mới là thái độ đúng đắn trong sáng tác nghệ thuật? Về phần tôi thì cả hai yếu tố ấy đều cần thiết. Nhưng làm sao để phân bố lúc nào cho hợp lý; để khi nào thì nên tự tin và khi nào thì nên khiêm nhường? Cả hai thái độ đều cần. Nếu một trong hai chết đi. Hoặc người nghệ sĩ cố dìm một bên và nâng bên kia lên quá nhiều, tôi cho rằng họ đang tự giết chính họ. Và con đường nghệ thuật của họ sẽ đoản mệnh và rẽ vào ngõ cụt. Họ sẽ luẩn quẩn với những lối mòn của chình mình mà không thoát ra được. 

Tôi băn khoăn, tại sao có nhiều triết gia và nhà văn dành hầu hết thời gian ở trong nhà. Họ không chu du nhiều, không gặp gỡ và trải nghiệm nhiều. Nhưng những tác phẩm và tư tưởng của họ lại là tác phẩm lớn khơi đầu cho những trào lưu tư tưởng, văn hóa mới. Cái của họ được xem là gốc rễ, là sự khởi sinh và trường tồn qua thời gian. Tôi tự hỏi, những người ấy đã làm như thế nào trong quá trình sáng tác và đào sâu? Họ đã cân bằng tư duy và những mâu thuẫn nội tâm của mình như thế nào? Để họ có thể đi con đường hành trình của mình một cách tiến bộ và lạc quan. Đó là thứ tôi nghĩ mình nên tìm hiểu và nghiền ngẫm. Vì rằng tôi cho rằng một người nghệ sĩ thì cũng cần phải chuẩn bị và xây lắp cho con đường của mình. Đó là sửa soạn tâm hồn, tự vấn lương tâm, và nhận thức về bản ngã cá nhân. Đó là quá trình đi tìm hiểu chính mình. Song tôi không cho rằng chỉ nghệ sĩ mới là người cần làm việc đó mà bất kỳ ai cũng nên tìm hiểu chính mình bằng cách này hay cách khác. Đó là cách chúng ta nhìn vào tâm hồn mình và tự hỏi, mình là ai? 

Mèo Quin. 

Comments

Popular Posts