Review Phim: The Dreamers

Tự do phóng khoáng  hay Tự do bị đe dọa

Bộ phim gây sốc với những cảnh nude táo bạo của các nhân vật chính. Một nước Pháp tự do với hai anh em tầm trong độ tuổi đầu hai mươi. Họ gặp người bạn từ Mỹ, lại một đất nước đầy tự do khác, nhập cuộc chơi với họ. Cả ba đều có chung một sở thích về điện ảnh, họ lặp lại những câu thoại và đóng vai các cảnh phim mình yêu thích như thể họ dùng chính nó để giải quyết và làm châm ngôn cho cuộc sống của chính mình. Rồi dần dà, không còn phân biệt được đâu là thực tế và đâu là phim ảnh, họ chìm trong một thực tại hư ảo mà đến chính mình cũng không còn nhận biết được. 

The Dreamers (2003) | Garrel, Louis garrel, Dreamers movie

Khi xem phim, tôi đã cảm thấy hai anh em này rõ có vấn đề, một vấn đề tâm lý nào đó mà khó giải thích được. Bây giờ, tôi không biết rằng đó là do khác biệt văn hóa mà tôi không thể hiểu được tình cảm anh em giữa họ hay họ thật sự có vấn đề? Hoặc có thể đạo diễn đã đưa ra hình ảnh đó với một ý ngầm nào đó mà ông muốn đề cập đến? Kiểu như phim Oldboy với phức cảm Oedipus.

Nhưng có một điều tôi khá chắc rằng, bối cảnh xã hội và thời gian ở Pháp lúc bấy giờ là lý do đạo diễn làm bộ phim đó. Nếu không đọc các bài phân tích phim và hiểu về bối cảnh xã hội nước Pháp lúc bấy giờ thì thật khó giải thích cho câu chuyện được đặt ra trong phim.

Tóm lại, bộ phim không mang đến cho tôi nhiều ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ ngoài câu chuyện điên cuồng của ba nhân vật chính và mối quan hệ khó hiểu giữa họ, đặc biệt là hai anh em. Và sự tự do phóng khoáng quá đà vượt ra khỏi những luân lý bình thường đến mức khó chịu.

Nhưng khi đặt mối liên kết giữa bộ phim và chương thứ ba trong sách hai mươi mốt bài học của Yuval mà tôi đọc gần đây. Tôi thấy được điểm chung là cả hai đều đang nói về “tự do” – tự do bị đe dọa và tự do phóng khoáng.

Theo quan điểm của tôi, trong tự do phóng khoáng, tiêu biểu là Dreamers, chúng ta chỉ đạt được cảnh giới đó khi vứt bỏ mọi ràng buộc của xã hội và những luân lý do nó đặt ra. Có nghĩa rằng chúng ta một là trốn tránh hoặc chà đạp nó, một là phải ở trong nó. Và khi ở trong đó, lẽ dĩ nhiên, sự tự do phóng khoáng này cũng theo đó mà mất đi. Người Pháp luôn tự hào với sự tự do của chính mình, và ở trong bộ phim, sự tự do này còn được tác giả nâng lên một tầm cáo mới bằng cách hình tượng hóa sự tự đó đó qua việc ba nhân vật chính gần như luôn trong trạng thái nude – trở về với thời kỳ Adam và Eva, khi con người đạt được sự tự do hoàn hảo trước khi vướn vào Original Sin, kể từ đó con người cũng gần như đánh mất sự tự do của chính mình và bị đày ra khỏi vườn địa đàng, chịu nhiều ách thống trị và luật lệ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng một lần muốn được trốn tránh như thế và sống một đời không phải nghĩ ngợi. Song, phân đoạn cuối phim, khi cục đá đập vào cửa kính, như đập vào thế giới đầy mơ mộng và sắc màu mà ba nhân vật đang trốn bên trong, lôi họ về với thực tế, khi những tiếng la ó của cuộc biểu tình sinh viên ở bên dưới khiến họ chú ý. Họ lúc này như những đứa trẻ ngơ ngác về thế giới mình đang sống và xông xáo bước vào nó với sự nhiệt huyết và sung mãn chưa từng có, mặc cho sự tự do mà họ từng biết và sự tự do thực tế là vô cùng khác nhau. Đó là “sự tự do đang bị đe dọa” - ở đây chính là cuộc bạo động sinh viên để chống lại một điều gì đó và đòi lại tự do mà họ cho rằng đã bị lấy mất.

Quay lại “tự do bị đe dọa” được đề cập trong sách hai mươi mốt bài học của Yuval, sự tự do ở đây đã bị máy móc dần chiếm quyền kiểm soát trên con người. Không phải vì máy móc nổi loạn mà do con người đã trở nên ỷ lại với những quyết định mà máy móc đưa ra đến nỗi họ không còn tự phán đoạn và nhận xét đúng sai được…

Cho dù là “tự do phóng khoáng” hay “tự do bị đe dọa” thì nó cũng đang vượt ra khỏi sự cân bằng vốn có của mình. Điều này làm tôi nhớ đến câu nói của thầy mình “bất kỳ cái gì QUÁ cũng đều không tốt” – quá đẹp hay quá xấu, quá tốt hay quá tồi, quá tự do hay quá kiểm soát…Nếu bất kỳ sự gì vượt ra khỏi sự cân bằng vốn có của nó đều dẫn tới sự hủy diệt hoặc một kết cục không mấy tốt đẹp. Gợi nhắc tôi về bi kịch trong bộ phim Beautiful của Kim Ki-duk.

Mèo Quin. 

Comments

Post a Comment

Popular Posts