Review Phim Tài Liệu: The Great Hack
Bộ phim được đặt ra trong bối cảnh vụ bê bối
rò rỉ thông tin cá nhân của tám mươi bảy triệu người dùng Facebook bị bán cho
công ty Cambridge Analytic để thao túng ý kiến cử tri trong các cuộc bầu cử, hoặc
các phong trào chính trị, dân quyền vì mục đích của các chính trị gia hoặc một
đảng phái chính trị nào đó, khiến tôi cảm thấy bàng hoàng và sửng sốt với thế
giới mà mình đang sống.
Vào năm 2018, thông tin về cuộc rò rỉ này
đã tạo ra một cú nổ lớn trong dư luận toàn thế giới mà trong đó có tôi. Song, tại
thời điểm đó nó chỉ là câu chuyện xa vời chẳng thể liên quan hoặc ảnh hưởng đến
cuộc sống cá nhân của tôi. Tôi đã thờ ơ với nó như bao nhiêu công dân thế kỷ
hai mươi mốt khác. Nhưng khi được tận mắt thấy tai nghe về các chi tiết của vụ
việc qua bộ phim này, tôi mới nhận ra rằng, sức ảnh hưởng của nó cũng tương
đương như một quả bom nguyên tử hạt nhân. Người cầm điều khiển kích nổ quả bom
có thể là một vị tổng thống hoặc kẻ độc tài nào đó ở tận đầu bên kia của hành
tinh, nhưng khi họ đã nhấn nút kích nổ thì ở đầu bên này tôi cũng sẽ nổ tan xác
mà chẳng hiểu nguyên cớ vì sao mình chết.
Thông qua bộ phim, tôi hiểu rằng tại sao
con người được sinh ra và lớn lên trong thế kỷ này lại khác biệt so với những thế
kỷ trước, và những gì họ phải đối mặt là hoàn toàn không có tiền lệ. Đó chính
là các cuộc cách mạng công nghệ mới, tự động hóa và máy móc. Con người dường
như thật sự không thể hiểu được những công nghệ sử dụng hôm nay sẽ trở thành vũ
khí chống lại chính mình một ngày nào đó. Điều khiến tôi ám ảnh nhất chính là
hình ảnh những cuộc nổi dậy cực đoan, những phong trào đi ngược lại quyền dân
chủ và tự do mà con người đã phải cố công đấu tranh suốt những thập niên 18s và
19s để có được, sự kích động thù hận và nổi loạn của đám đông đều được thao
túng bởi mạng xã hội, mà ở đây tiêu biểu chính là Facebook, kẻ mang mặt nạ đứng
sau những cuộc trao đổi thương mại bất hợp pháp và thu lời về cho chính mình mặc
kệ luân lý và sự hiểu biết đúng sai do lương tâm đặt ra. Và điều ám ảnh tôi hơn
đó chính là, rất nhiều người trên thế giới, trong đó có chính tôi, lại thờ ơ và
không quan tâm đến sự thật này, hoặc thậm chí nếu có biết thì họ cũng phớt lờ
nó bởi tầm ảnh hưởng của nó là quá nhỏ so với những tác động trực tiếp khác đến
đời sống của họ, như việc đón con cái đi học, chăm sóc cha mẹ già, hay tiền
lương thưởng nay mai chẳng hạn. Khi xem qua bộ phim này, tôi nhận thấy rằng
mình không thể thờ ơ với những điều này được nữa. Tuy vậy, như David Caroll
nói, chúng ta không thể đánh rơi mình ra khỏi mạng lưới, bởi như thế, chúng ta
sẽ trở nên cô độc, nhưng việc bắt buộc phải sử dụng các công nghệ và trao đổi
thông tin để chính nó nhận dạng hành vi và tâm lý học của ta lại càng khiến tôi
hoang mang hơn. Đâu là giải pháp cho câu chuyện này? Tôi thật sự băn khoăn.
Một chi tiết khiến tôi hoang mang nữa chính
là nhân quyền và dân chủ. Như trong chương một của cuốn hai mươi mốt bài học của
thế kỷ hai mươi mốt, tác giả Yuval đã đặt vấn đề về “sự vỡ mộng”. Chúng ta sống
trong một thế kỷ mà chúng ta tin rằng những tiến bộ khoa học đã nâng con người
lên một nền văn minh mới. Một nền văn minh mà tổ tiên chúng ta có nằm mơ cũng
khó có thể tưởng tượng, như việc thuyền sắt nổi trên mặt nước, hoặc một khối sắt
có thể bay lơ lửng trên bầu trời, và giờ là những chiếc xe không người lái, những
nhà máy do rô-bốt tự hoạt động và hơn thế nữa là máy móc có thể trở thành một
phần bộ phận cơ thể chi phối chính chúng ta. Giờ đây, sống trong thế kỷ văn
minh đó, liệu điều gì lại khiến chúng ta phải trở nên băn khoăn và lo lắng cơ
chứ? Đó có lẽ chính là thái độ thờ ơ, và ỷ lại vào chính những công cụ đó. Công
cụ không có lỗi, nhưng mục đích sử dụng công cụ được điều khiển phía sau mới
chính là vấn đề. Sẽ chẳng ai tưởng tượng được bao nhiêu máu đã đổ ra để đấu
tranh cho quyền bầu cử tự do và bình đẳng ở mỗi quốc gia giờ đây lại trở thành
những phòng trào “do so” chống lại quyền bầu cử đó, và hơn thế là những phong
trào đó lại được sắp đặt trước để thao túng đám đông bởi lợi ích của một cá
nhân hay một đảng phái chính trị nào đó.
Chúng ta có thật sự cần phải có một dự luật
như “data rights are human rights” – “quyền dữ liệu là nhân quyền”? Điều đó liệu
sẽ thay đổi được gì nếu những kẻ “cầm đầu” như Facebook vẫn không bị pháp luật
đưa vào “xét xử”?
Và quả đúng, câu chuyện của Cambridge
Analytica và Facebook chỉ là một ví dụ điểu hình cho sự trỗi dậy của đế chế
công nghệ, một đế chế sụp đổ sẽ có những đế chế khác sinh ra? Đâu là giải pháp
cho sự riêng tư của chúng ta trong “thế giới ảo”? Và làm sao chúng ta biết rằng
mình không bị thao túng trong một “trò chơi vương quyền” hay trở thành con tốt
thí điểm như Britanny Kaiser?
Có lẽ những câu hỏi và sự băn khoăn của tôi
sẽ chỉ bỏ ngỏ tại đây…Bởi thế giới vẫn còn đang loay hoay học cách sử dụng các
công cụ mới họ vừa phát minh ra mà quên mất chính mình và thế giới tương lai mà
con cháu mình sẽ phải đối mặt.
Mèo Quin.
Comments
Post a Comment