Review Phim tài liệu: American Factory
Xung đột và hòa nhập văn hóa
Mở đầu phim là cảnh một nhà máy vừa đóng cửa,
rất nhiều người làm việc tại đó giờ trở nên thất nghiệp. Cuộc sống bỗng chốc bấp
bênh và khó khăn hơn. Bầu không khí ảm đạm bao trùm cả thành phố Dayton, Ohio.
Song, khi một doanh nhân người Trung Quốc quyết định thành lập nhà máy kính của
ông trên chính nhà máy đã đóng cửa năm xưa. Bầu không khí lại trở nên đầy sinh
khí. Mọi người hoan hỉ và thầm biết ơn vị doanh nhân này đã mang đến cơ hội làm
việc cho biết bao nhiêu người. Những người phải xin tiền trợ cấp chính phủ hơn
bốn năm nhưng vẫn không tìm thấy việc, những người đã lớn tuổi và sức khỏe
không còn dẻo dai bị từ chối ở những nhà máy khác vì người chủ không muốn chịu
rủi ro cao khi mướn họ, những người phải thuê trọ trong một căn phòng với nhiều
người khác không thể chi trả nổi cho sự riêng tư của chính mình. Giờ đây, tất cả
đều có cơ hội được thực hiện ước mơ của mình. Họ gọi ông ấy – người chủ nhà máy
Fuyao Glass America – là người cho họ tiếp tục mơ “giấc mơ Mỹ”.
Những tưởng câu chuyện sẽ kết thúc trong sự
hạnh phúc viên man. Song, các vấn đề về môi trường làm việc như nhiệt độ nhà
máy quá cao, các thiết bị không đảm bảo an toàn cho người lao động. Năng suất
lao động bắt đầu lao dốc từ đó. Sự xung đột bắt đầu diễn ra ở cả hai bên: người lao động
mong muốn các vấn đề về an toàn được cải thiện hoặc ít nhất là được tăng lương,
bên chủ nhà máy lại muốn năng suất được tăng cao và họ không còn phải tiếp tục
chịu lỗ hàng chục triệu đô la mỗi tháng. Và thế là cả hai bên tìm cách giải quyết
các vấn đề theo cách riêng mà không có một cuộc thương lượng tìm ra tiếng nói
chung nào. Người lao động thì lôi công đoàn vào cuộc để buộc chủ nhà máy phải
nghe theo các yêu cầu của họ, còn người chủ nhà máy thì cho cách chức toàn bộ
ban lãnh đạo người Mỹ và thay vào đó là những người Trung Quốc máu thịt.
Cuộc xung đột dần trở nên gay gắt hơn cho
thấy sự mâu thuẫn không chỉ đơn giản nói về mâu thuẫn giữa người lao động và chủ
nhà máy, mà ngầm bên trong đó là cuộc mâu thuẫn của hai chế độ dân chủ và xã hội
chủ nghĩa. Các công nhân người Mỹ cũng như ban lãnh đạo Trung Quốc là đại diện tiếp
thu văn hóa trực tiếp từ hai chế độ khác biệt đó.
Chế độ dân chủ là chế độ xem con người là
trung tâm. Họ đấu tranh vì quyền lợi của chính mình và của mỗi cá nhân. Một người
bán báo và một tỷ phú phố Wall đều có quyền bầu cử và các quyền lợi công dân
như nhau. Không có sự phân biệt và đối xử ở đây. Họ đã đấu tranh hàng thế kỷ
cho sự bình đẳng quyền lợi đó và sẽ không bao giờ chịu thua hay dừng lại nếu
quyền lợi cơ bản của họ bị phớt lờ.
Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ đề cao
tinh thần tập thể và nhân dân. Ở đây con người không đại diện cho chính mình mà
là cho cả một tập thể. Tập thể người lao động, tập thể người nông dân, hay tập thể
người trí thức. Mỗi người là đại diện của một tập thể nhân dân. Do đó, họ sống
vì tập thể, lớn mạnh cùng tập thể, và hy sinh vì tập thể. Họ là những người
nghĩ cho lợi ích chung chứ không sống cho lợi ích riêng.
Sự xung đột đó khắc họa rõ nét qua hai phân
đoạn khi những người lãnh đạo Mỹ đến thăm công ty mẹ ở Trung Quốc và tận mắt chứng
kiến cách người Trung Quốc điều hành nhà máy và sinh hoạt cộng đồng cùng nhau.
Trở lại Mỹ, ban lãnh đạo cố gắng áp dụng cách hoạt động như người Trung Quốc
nhưng rõ ràng là kết quả chẳng đi đến đâu vì mỗi người đều tách biệt và riêng lẽ.
Tôi nhận thấy rằng cuộc xung đột khó mà đi
đến hồi kết, vì nó mang nhiều tầm ý nghĩa hơn là chỉ giải quyết vấn đề nội tại
được đặt ra. Đó là cả một nền văn hóa và những con người được hấp thụ nền văn hóa
đó, họ có lòng tự tôn dân tộc và những giá trị bản sắc của riêng mình. Nó khiến
tôi quay lại vấn đề ban đầu và ngẫm nghĩ, khi người Trung Quốc muốn sang Mỹ
thành lập nhà máy, họ đề cao mong muốn giúp đỡ những người thất nghiệp và một
phần nào đó muốn thể hiện quyền lực ở một đất nước “tối thượng” khi bành trướng
phạm vi của mình ở đây. Không thể phủ nhận ý muốn tốt đẹp ban đầu của họ. Nhưng
những xung đột về văn hóa này khiến cho chính vị chủ tịch nhà máy Phúc Diệu
cũng trở nên băn khoăn về mục đích ban đầu của mình. Tôi tự hỏi rằng, nếu người
Trung Quốc sang Việt Nam hay Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên và mở nhà máy của
mình ở đây, thì liệu những vấn đề trong tập phim tài liệu này đề cập đến có xảy
ra?
Thật khó để xác định câu trả lời. Song, để
chốt lại cho toàn bộ những mâu thuẫn này, tôi tìm thấy một câu nói đầy ý nghĩa trong
phim như thế này: “we’re one big planet. A world somewhat devided, but we’re
one.” (tạm dịch: chúng ta sống trong một hành tinh rộng lớn. Một hành tinh bị chia cắt, nhưng là
một.)
Dù đồng tình hay không, thì đó cũng là sự
thật, và dĩ nhiên sự chia cắt giữa những con người chẳng thể giải quyết trong một
sớm một chiều. Nhưng ở thế kỷ 21, con người có thể tìm thấy giải pháp thay thế mà
họ không thể giải quyết một cách nhanh gọn và hiểu quả, đó là máy móc và rô-bốt.
Phân đoạn kết phim mang đầy tính trào phúng khi người làm phim kết luận rằng,
các vấn đề về con người đã được rô-bốt lo liệu, rô-bốt giờ đây làm việc đảm bảo
năng suất, mang tính hiệu quả với độ chính xác cao, giảm thiểu rủi ro và tổn thất,
nhất là không kêu ca về các vấn đề an toàn và hơn nữa là không lôi công đoàn
vào cuộc khi có vấn đề. Giờ đây, dù muốn hay không, con người cũng thật khó mà
cạnh tranh với các lợi thế đầy tiềm năng của rô-bốt.
Mèo Quin.
Comments
Post a Comment